Bộ Công thương: Không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản
Bên lề cuộc gặp báo chí chiều 26/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá điện hiện nay đang dưới giá thành nên việc điều chỉnh giá điện tới đây sẽ là điều khó tránh khỏi.
Thứ trưởng Hải cho biết, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây về tài chính của EVN, các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi giá điện quá thấp. Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản.
“Các chuyên gia của WB khuyến nghị, giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 mới có thể “cứu” nổi ngành điện. Hiện Ngân hàng Thế giới phải xem xét tình hình tài chính của EVN, giá thành điện cũng như giá bán ra của ngành điện để quyết định việc có cho các dự án điện của EVN vay vốn hay không.
Nếu không tăng giá điện, EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn”, báo Dân Việt dẫn lời ông Hải nói.
Theo ông Hải, để chủ động điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam không có cách nào khác là phải tăng đầu tư sản xuất điện trong nước, giảm nhập khẩu (mà trước mắt là giảm nhập điện từ Trung Quốc). Muốn tăng sản xuất điện trong nước, thu hút được đầu tư vào ngành điện thì buộc phải tăng giá điện lên.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, có 3 phương án về điều chỉnh giá điện đang được Bộ Công Thương và các bộ ngành tính toán, từ mức tăng thấp đến vừa, cao. Tuy nhiên, tăng giá điện ở mức nào tới đây vẫn cần phải cân nhắc để đảm bảo hỗ trợ người nghèo, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội.
"Tới đây, dù có điều chỉnh giá điện thì cũng sẽ chưa bù đắp được hết các khoản chi phí tăng lên của EVN. Dù giá điện có được điều chỉnh thì mức giá sẽ vẫn thấp hơn giá thị trường”, ông Hải nhấn mạnh.
Trước đó, trong cuộc trao đổi bên lề với báo chí sau cuộc họp của các thành viên tổ công tác liên ngành 4 bộ về điều hành kinh tế vĩ mô ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch&Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, từ nay đến Tết chưa bàn đến chuyện tăng giá, mặc dù nhu cầu tăng giá rất rõ ràng, cần thiết, nhất là trong lúc lạm phát đang giảm rất mạnh do giá xăng dầu giảm.
Cụ thể, Bộ trưởng Vinh cho biết, vấn đề tăng giá điện là vấn đề đã được bàn từ lâu vì giá điện Việt Nam thấp hơn các nước rất nhiều. Yêu cầu tính toán để đảm bảo có lợi nhuận là yêu cầu cần thiết cũng như yêu cầu dần dần giá điện tiệm cận với giá thị trường.
Bộ trưởng Vinh cũng nhấn mạnh: "Điều quan trọng là giá thành phải tính chính xác và công khai, minh bạch".
Theo Bộ trưởng Vinh, có 2 yếu tố giảm giá thành điện. Một là tiêu hao thất thoát, tổn thất đường dây quá lớn, phải giảm đi để giá thành giảm. Thứ 2 là năng suất lao động trong ngành điện hiện nay đang thấp nên cần phải giảm mạnh.
"Nâng cao năng suất lao động và giảm mạnh tổn thất để có giá thành hợp lý hơn trên cơ sở công khai các chi phí về giá thành của điện để mọi người thấy rằng cái giá này chính xác, không phải đưa các yếu tố vào đây", Bộ trưởng Vinh nói.
Bộ trưởng Vinh phân tích rằng, với biện pháp trên sẽ là cơ sở để nâng giá điện lên cho phù hợp với giá thành, đảm bảo có lãi nhất định để ngành điện có thể tái sản xuất đầu tư mở rộng và có hiệu quả, thu hút được đầu tư từ thành phần kinh tế khác tham gia sản xuất nguồn điện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao