Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường
Trong năm 2016, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo hai phương thức là đấu giá thí điểm và phân giao hạn ngạch. 85.000 tấn đường đã được đấu giá. Cuối năm 2016, các thương nhân trúng đấu giá hạn ngạch đã nhập khẩu hầu hết khối lượng đường trúng đấu giá về để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Theo Bộ Công Thương, việc đấu giá năm 2016 đã được tổ chức công khai, minh bạch, nhận được phản ứng tích cực từ dư luận xã hội, thu được tiền về cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Việc đấu giá đã chọn ra các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu và có năng lực nhập khẩu; phân chia chủng loại đường cho các đối tượng tham gia đấu giá (đường tinh luyện cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đường thô cho các nhà máy đường dùng làm nguyên liệu tinh luyện đường) đã đảm bảo hài hòa được lợi ích cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nhà máy đường và người nông dân trồng mía.
Ngoài lượng đường đấu giá theo hạn ngạch, trong năm 2016, do thị trường đường trong nước có những diễn biến phức tạp, có dấu hiệu thiếu nguồn cung và sốt giá, có hiện tượng găm hàng để tăng giá lợi dụng tâm lý do thời tiết, xâm nhập mặn tác động đến nguồn cung đường.
Để bổ sung nguồn cung, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu bổ sung ngoài hạn ngạch 100.000 tấn đường theo phương thức phân giao cho các thương nhân nhập khẩu (không tổ chức đấu giá) đã góp phần giúp cho thị trường đường ổn định, các doanh nghiệp dễ tiếp cận với nguồn đường hơn.
Năm 2017, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết WTO sẽ là 89.500 tấn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chính thức ban hành cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đồng tình với việc tiếp tục cho thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường; Bộ Tài chính thì đề nghị theo dõi phản ứng từ các thành viên WTO, qua đó lựa chọn phương thức điều hành nhập khẩu đường theo cam kết WTO phù hợp.
Trên cơ sở các ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương đã chính thức đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017. Chủng loại đường nhập khẩu đấu giá theo hạn ngạch năm 2017 sẽ vẫn giữ như năm 2016 nhằm tạo sự cạnh tranh, chủ động cho các doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với nhu cầu, thúc đẩy các nhà máy đường nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tránh việc liên kết làm giá đường… Bộ Công Thương cho biết, thời điểm tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017 sẽ được triển khai thực hiện sớm nhất nếu Chính phủ đồng ý tiếp tục cho đấu giá.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam việc đấu giá nên thực hiện trong Quý I/2017 để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch nhập khẩu và sản xuất.
Để có kinh phí tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Chính phủ cho trích trích 5% số tiền thu từ đấu giá năm 2016 và của năm 2017 để phục vụ công tác xây dựng, tổ chức, thực hiện đấu giá và đánh giá tình hình nhập khẩu của các doanh nghiệp, chi phí phục vụ công tác đối ngoại liên quan khi các thành viên WTO có chất vấn (nếu có) cũng như các chi phí liên quan khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững