Thị trường

Bộ Công Thương lo ngại hàng Thái "xâm lấn" thị trường Việt Nam

(DNVN) - Trước tình trạng nhập siêu từ Thái Lan trong thời gian qua đang tăng cao, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã tổ chức họp với một số đơn vị liên quan trong Bộ để tìm ra nguyên nhân và giải pháp.

Tại cuộc họp ngày 15/9, sau khi nghe báo cáo nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu từ Thái Lan, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị phải chủ động và quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp đã được xác định nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Thái Lan, khắc phục và giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới.

Một số giải pháp quan trọng được cuộc họp bàn gồm: tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý nhập khẩu theo quy định để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường; đề nghị hệ thống siêu thị do doanh nghiệp Thái Lan sở hữu tăng cường hỗ trợ giới thiệu, bán, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam, hợp tác với các Tập đoàn phân phối bán lẻ của Thái Lan (Central Group, TCC) để tổ chức Tuần hàng Việt Nam và Hội nghị kết nối mua hàng Việt Nam; tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như các chương trình tuyên truyền, cổ vũ dùng hàng nội địa khác cho người tiêu dùng, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức hoặc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan; tăng cường hoạt động thông tin, phổ biến các cơ hội tiếp cận thị trường Thái Lan có được từ việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và việc thực thị Hiệp định ATIGA; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng Chứng nhận xuất xứ (C/O) Mẫu D khi xuất khẩu sang Thái Lan.

Ảnh minh họa.

Đối với nông sản, trái cây, theo các đại biểu cần tập trung xây dựng vùng quy hoạch, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm trái cây Việt Nam có chất lượng tốt và đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ công tác quảng bá, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; từng bước hướng tới nền nông nghiệp sạch và hữu cơ.

Bộ Công Thương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc quản lý hàng hóa nhập khẩu từ các nước và Thái Lan nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu và hiệu quả nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy đàm phán để Thái Lan tiếp tục mở của thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam. 

Tại thị trường trong nước, để có thể khẳng định chất lượng hàng Việt và có được niềm tin của người tiêu dùng, chính các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đưa ra các sản phẩm đáng ứng yêu cầu về chất lượng và mẫu mã với giá thành cạnh tranh để có thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan.

Có ý kiến cho rằng cần đưa ra hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, hàng rào kỹ thuật không phải để hạn chế nhập khẩu mà là để nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, nếu không chúng ta không bao giờ cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, các đơn vị bước đầu đã có những phân tích, nhận định sâu sắc và toàn diện, tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Bộ trưởng để nghị, các đơn vị thuộc Bộ cần nêu cao vai trò của mình, có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, cân đối tình hình xuất khẩu - nhập khẩu. 

 

Đối với tình hình nhập siêu từ Thái Lan như hiện nay, Bộ trưởng nêu vấn đề, các đơn vị phải tìm hiểu toàn diện lý do tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan, trong khí đó, cũng là các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Philippines, hàng hóa của Thái Lan lại không thể thâm nhập sâu rộng như tại thị trường Việt Nam.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo