Bộ Công thương nhắc nhở PVN dùng hàng nội
Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu PVN chỉ đạo các đơn vị chức năng và đại diện của PVN tham gia Ủy ban quản lý trong các hợp đồng dầu khí xem xét, phê duyệt kế hoạch, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu để mua sắm vật tư, hàng hóa dịch vụ phục vụ các dự án dầu khí phải sử dụng tối đa vật tư, hàng hóa, dịch vụ trong nước đã sản xuất được.
Đặc biệt với việc mua sắm ống chống, ống khai thác, nhà thầu dầu khí nhập khẩu ống trơn và sử dụng dịch vụ cắt, tiện ren tại Việt Nam trên cơ sở đảm bảo chất lượng, cạnh tranh về giá cả.
|
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu PVN tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có dịch vụ, vật tư, hàng hóa trong nước đã sản xuất được mở rộng thị trường thông qua hình thức giới thiệu sản phẩm của ngành dầu khí Việt Nam tại các Triển lãm Dầu khí trong nước và nước ngoài.
Trong cuộc sơ kết 2 năm thực hiện thỏa thuận giữa các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ Công thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau diễn ra đầu tuần này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV của PVN cũng nhắc tới chuyện sử dụng sản phẩm, dịch vụ giữa PVN với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) hay Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Viatex) vẫn còn những điều vướng mắc và cần thúc đẩy tiếp quan hệ hợp tác này.
Trước đó, việc PVN đầu tư vào các nhà máy điện và bán điện cho EVN nhưng chưa được thanh toán ngay đã khiến khoản nợ tiền điện này có thời điểm lên tới trên mười nghìn tỷ đồng. Nhưng dù bị nợ lớn về tiền điện thì PVN và Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) không thể dừng phát điện và vẫn phải tiếp tục cấp điện cho EVN để đơn vị này đảm bảo cấp điện ổn định cho nền kinh tế.
Trong quan hệ với Petrolimex, PVN cũng có những thế yếu nhất định. Nguyên do Petrolimex nằm trong tay hệ thống phân phối xăng dầu chiếm khoảng 50% thị phần của cả nước, đặc biệt là mạng lưới bán lẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…
Trong khi đó, để tiêu thụ hết 300.000 tấn Ethanol mà 3 nhà máy Ethanol tại Dung Quất, Phú Thọ và Bình Phước mà PVN và các công ty con tham gia đầu tư với quy mô khoảng 300 triệu USD trong quá trình phân phối xăng sinh học E5 thì sự tham gia của mạng lưới phân phối thuộc Petrolimex đóng vai trò trọng yếu.
Cần nói thêm là, các nhà máy Ethanol mà PVN tham gia đầu tư đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc không tiêu thụ được sản phẩm làm ra khi nhà máy hoàn tất đầu tư và đưa vào hoạt động, khiến có nhà máy chỉ hoạt động hai chục ngày là đủ bán hàng cả năm. Đối tác nước ngoài trong dự án Ethanol Bình Phước cũng đã tìm đủ cách để thoái vốn đầu tư vào dự án này bởi không chịu nổi thua lỗ lớn.
Với Vinatex, việc sử dụng sản phẩm xơ sợi của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ thuộc Công ty PV Text (thuộc PVN) cũng là một vấn đề chưa xuôi chèo, mát mái. Có quy mô đầu tư 325 triệu USD với công suất 150.000 tấn/năm, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ từng có thời gian dài dừng hoạt động để khắc phục kỹ thuật dù đã cho ra sản phẩm. Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp sợi dệt trong nước thuộc Vinatex cũng chưa mặn mà tiêu thụ sản phẩm của PV Text. Đáng nói là Vinatex cũng là nhà đầu tư trong dự án này nhưng không có đủ tiền để góp vốn phần mình khiến PVN phải đóng hộ.
Chủ tịch HĐTV Vinatex Trần Quang Nghị có cho hay, “mua nhưng phải dùng được chứ không phải chạy theo phong trào” và mong muốn các sản phẩm sắp sản xuất ra phải đảm bảo yêu cầu cho những quá trình xử lý vải tiếp theo. “Nếu dùng loại xơ cho sản xuất vải mà sau đó khi nhuộm lại có tình trạng vải loang màu thì cả một quá trình đổ sông, đổ biển”, ông Nghị nói.
Năm 2012-2013, các đơn vị thuộc Vinatex tiêu thụ xơ sợi Đình Vũ mới chỉ khoảng 3.000 tấn/năm, còn từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7/2014 mới tiêu thụ được khoảng 1.500 tấn.
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo