Thị trường

Bộ Công thương phân tích cơ hội tiêu thụ trái vải ở Mỹ và Úc

(DNVN) - Bộ Công thương cho rằng, việc trái vải đã chính thức được thâm nhập vào thị trường khó tính như Mỹ và Úc là một thành công đối với Việt Nam.

Tại buổi họp báo, phóng viên báo chí đã đặt ra câu hỏi về cơ hội tiêu thụ trái vải trong mùa vụ 2015 khi vải Việt Nam vừa chính thức được Mỹ và Úc – hai thị trường khó tính hàng đầu chấp nhận cho nhập khẩu.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh nhận định, vừa qua, Mỹ và Úc đã mở cửa cho trái vải Việt Nam. Trên thực tế, đối với những thị trường chặt chẽ và khó tính, yêu cầu cao về chất lượng nông sản, quy trình để làm thủ tục đưa một mặt hàng mới như rau quả, trái cây vào các thị trường này thường phải mất 8-10 năm. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời báo chí.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời báo chí.

"Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ mất có 4-5 năm đã thành công. Việc đưa trái vải vào các thị trường này là nỗ lực lớn của các bộ ngành, các địa phương trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như sản xuất sản phẩm đúng theo chứng nhận VietGap và GlobalGap nhằm đảm bảo chất lượng xuất khẩu", Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, để đưa thành công các sản phẩm vào những thị trường này không hề đơn giản và sẽ tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong xây dựng, maketing giữ hình ảnh, chất lượng cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, việc này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược quảng bá chất lượng cho sản phẩm.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương, do Mỹ và Úc là hai thị trường khó tính hơn nữa việc trái vải chỉ phổ biến ở Việt Nam chứ ở các nước đó người dân vẫn chưa biết nhiều nên việc kỳ vọng có kim ngạch xuất khẩu trái vải vào Mỹ, Úc ngay trong 1 – 2 năm đầu là không nhiều. Tuy nhiên, đây là những bước đi vô cùng quan trọng và ý nghĩa do thứ nhất, ta đã nhận được được sự cấp phép chính thức của các cơ quan phía bạn để đưa các sản phẩm đường đường chính chính vào thị trường. 
Thứ trưởng Tuấn Anh cũng phân tích, hiện việc xuất khẩu trái vải sang thị trường các nước này mới chỉ ở mức thí điểm vài trăm tấn, nhưng các hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã vào cuộc để kết nối người dân nhằm tạo ra các vùng sản phẩm đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu. "Với sự vào cuộc của doanh nghiệp, sản phẩm của chúng ta sẽ có cơ hội lớn trụ vững ở những thị trường này vì doanh nghiệp chính là cầu nối kết nối sản xuất và tiêu thụ trên thị trường", Thứ trưởng Tuấn Anh cho biết thêm.
Về tình hình tiêu thụ trái vải trong thời gian tới ở 2 thị trường này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dự đoán, trong năm 2016, xuất khẩu vải trái sang các thị trưởng này cũng chưa thể cao và không có đột biến, sẽ nằm khoảng vài trăm nghìn tấn.
Như vậy, mùa vải năm 2015, Việt Nam vẫn trông nhiều vào tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Với những giải pháp đã đề ra, có thể hy vọng lượng tiêu thụ nội địa và XK sang Trung Quốc năm nay vẫn tương đương năm 2014, tức là tiêu thụ trong nước 60% và XK sang Trung Quốc 40%.
"Sự ổn định của sản lượng và chất lượng của sản phẩm là nhân tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển tình hình xuất khẩu vải trái sang hai thị trường khó tính như Mỹ và Úc", Thứ trưởng Bộ Công thương kết luận.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo