Pháp luật

Bộ Công Thương sẽ có chế tài quản lý thương mại điện tử trên di động

"Thương mại điện tử trên Mobile mới bùng nổ nên cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp với nhau để có điều chỉnh phù hợp".

Đó là chia sẻ của Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công thương tại hội thảo Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động.

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam rất có tiềm năng về thương mại điện tử. Thông qua tỉ lệ thuê bao di động, tỷ lệ truy cập internet… Theo thống kê cho thấy, số người dùng điện thoại đạt 1,45 thuê bao/đầu người. Lượng truy cập internet trên di động chiếm hơn 50% - cao hơn mức trung bình của thế giới. Doanh thu từ thương mại điện tử trên di động ước tính gần 300 triệu USD trong năm 2014.

 

Tại nhiều quốc gia, doanh thu từ thương mại điện tử trên nền di động ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay đã chiếm trên 50%.

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều bài toán đối với cơ quan quản lý nhà nước khi có sự thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ, quản lý…nhất là thời gian vừa qua một số doanh nghiệp thương mại điện tử và người tiêu dùng phải chịu tổn hại vì chính sách quản lý chưa rõ ràng. 

 

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT cũng cho biết, do nền tảng điện thoại di động thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng, định danh, định vị, ưu việt hơn nền tảng máy tính nên thương mại điện tử đang dần thay đổi. Như trong ngày mua sắm trực tuyến vừa qua có gần 30% đơn hàng xuất phát từ các thiết bị di động.

 

Nói thêm về tiềm năng của thương mại điện tử trên nền tảng di động, ông Đặng Bảo Linh giám đốc phát triển kinh doanh công ty Intel cho biết, đến tháng 9/2014 Việt Nam có hơn 130 triệu thuê bao di động, trong đó thuê bao di động 3G đạt gần 30 triệu thuê bao.

 

Tuy nhiên việc kinh doanh thương mại điện tử cũng phát sinh một số vấn đề phức tạp như quản lý thuế, thanh toán gặp khó khăn... Ngoài ra còn phát sinh những yếu tố liên quan đến hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Tại hội thảo cũng đã diễn ra một cuộc tranh luận giữa đại diện Uber Việt Nam và doanh nghiệp taxi về vấn đề này.

 

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng doanh thu 300 triệu USD trên nền tảng di động là quá bé. Ông Bình cho rằng vấn đề ở đây chính là chính sách, thiếu sự dẫn dắt về cạnh tranh, giá cả, môi trường pháp lý.

 

Trong khi ông Nguyễn Sơn, giám đốc taxi Sông Hồng cho rằng Uber vận hành quá trình 5 khâu có kết nối, định giá, vận hành, thanh toán, nhận phản hồi từ khách hàng do đó Uber là công ty kinh doanh vận tải. Hơn nữa Uber là một công ty ở Hà Lan, rõ ràng khách hàng tại Việt Nam sẽ không được bảo vệ. Ông Sơn cũng cho rằng, Uber cần phải có giấy phép kinh doanh vận tải của Uber Việt Nam, không phải một pháp nhân khác.

 

Còn giám đốc Uber cho rằng họ không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải mà là cung cấp ứng dụng công nghệ.

 

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử thì nguyên nhân dẫn đến tranh cãi là do chủ thể tham gia dịch vụ ở đây nhiều hơn, phức tạp hơn. Hơn nữa đây lại là dịch vụ kinh doanh có điều kiện.

 

Về ý kiến cho rằng chính sách vẫn chưa theo kịp với thực tiễn, Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT cho biết, vì giao dịch thương mại dựa trên nền tảng công nghệ nên có sự giao thoa giữa kinh doanh và công nghệ: Một bên là mạng viễn thông internet, một bên kinh doanh và giải pháp ứng dụng. Kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng website đã có các văn bản và chính sách và phát huy rất tốt còn thương mại điện tử trên Mobile mới bùng nổ nên cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp với nhau để có điều chỉnh phù hợp.

 

“Trong năm nay chúng tôi sẽ ban hành thông tư nhằm quản lý hoạt động và tạo môi trường chính sách để thương mại điện tử trên di động phát triển”, ông Linh khẳng định. 

Theo Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo