Xã hội

Bộ Công thương: Vẫn còn tình trạng cán bộ “nhũng nhiễu” doanh nghiệp

Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương còn tình trạng quá hạn; vẫn còn tồn tại tình trạng cán bộ, công chức “nhũng nhiễu” khi giải quyết thủ tục hành chính bị dư luận và báo chí phản ánh.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa tại Hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính của ngành Công thương” được tổ chức chiều 29/9, tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức nhằm thu thập, khảo sát ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công Thương tại Việt Nam về các quy định, thủ tục hành chính của ngành Công Thương.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Công Thương đã tiếp nhận, xử lý 112 lượt phản ánh, kiến  nghị trong đó 100% các phản ánh, kiến nghị này liên quan đến các quy định hành chính, thủ tục hành chính. Hàng năm, theo quy định của pháp luật, Bộ Công Thương ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ, nhằm mục tiêu duy nhất là giảm phiền hà, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, so với yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong ngành Công thương còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại: một số đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, chưa thật sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này; việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương còn tình trạng quá hạn; vẫn còn tồn tại tình trạng cán bộ, công chức “nhũng nhiễu” khi giải quyết thủ tục hành chính bị dư luận và báo chí phản ánh”.
 
Giải thích về những hạn chế trong việc kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Công thương, ông Phạm Đình Thưởng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương cho rằng: Nguyên nhân chính là do kinh phí dành cho công tác này chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách nhà nước trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Hơn nữa, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, số lượng biên chế của toàn bộ hệ thống các cơ quan hành chính từ Trung ương và địa phương không những không tăng mà còn cắt giảm.
 
Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội còn chưa quan tâm, đóng góp ý kiến đúng mức, kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước trong ban hành chính sách, pháp luật trong đó có chứa đựng các thủ tục hành chính.
 
Tại hội nghị các đại biểu đề nghị Bộ Công thương thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định về thời hạn, hồ sơ, giấy tờ với tinh thần giảm chi phí và thời gian cho các cá nhân và doanh nghiệp.
 
Đề nghị Bộ Công thương tăng cường đối thoại, tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của tổ chức, doanh nghiệp đối với quy định hành chính, thủ tục hành chính ngành Công thương. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính theo phân cấp nhằm phát hiện kịp thời các hành vi hành chính trái pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
 
Thiên Thanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo