Bộ Công Thương "xin" cơ chế thí điểm xuất gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc
Trong khi trước đó, chính đại diện Bộ Công thương hồi tháng 10/2013 đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ do xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng mạnh.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, do tồn kho lớn nên dự báo Thái Lan sẽ bán gạo với số lượng lớn. Đây là thách thức với ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho hay gạo Thái do tồn kho lâu nên chất lượng đã giảm nên có thể sẽ kém cạnh tranh hơn gạo Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã đàm phán, ký được các hiệp định xuất khẩu tập trung với số lượng lớn cho Indonesia 1 triệu tấn, Philippines là 1,5 triệu tấn. "Ít nhất các hiệp định Chính phủ sẽ xuất khẩu được 4- 4,5 triệu tấn gạo trong năm nay, chưa kể đối với Cuba (400 nghìn tấn)"- ông Hoàng cho biết.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần có các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, trong đó cho phép tăng thêm đầu mối được xuất khẩu trong các hợp đồng tập trung, nhưng phải lưu ý kiểm soát giá, không để xảy ra tình trạng bán phá giá.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong cuộc họp báo thường kỳ mới đây cũng đã lên tiếng về việc Bộ Công Thương đang "xin" Chính phủ cho cơ chế thí điểm xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc tại cửa khẩu của tỉnh Lào Cai.
Ông Hải khẳng định: "Xuất khẩu gạo của ta đang vấp phải sự cạnh tranh khá gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia nên hiện khá khó khăn. Tuy nhiên, dấu hiệu xả kho gạo của Thái đang chưa rõ ràng, và dù xả kho gạo thì gạo Thái vẫn cao hơn giá gạo Việt Nam.
Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thành quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, tập trung kinh phí cho xúc tiến thương mại với mặt hàng này; đẩy mạnh đàm phán hợp đồng gạo tập trung với Indonesia, Philippines... để khơi thông thị trường.
Trước đó, trả lời trên báo Hải Quan, ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương lại cảnh báo: “Xuất khẩu tiểu ngạch tăng mạnh sẽ gây áp lực về giá cho doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc vì 2 nước đã kí kết hợp tác đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch"
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, xuất khẩu tiểu ngạch cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ không đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dễ dẫn đến bị chi phối về giá xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo