Bộ đội xuất ngũ được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, cử tri TP. Hải Phòng đề nghị Nhà nước có chính sách cụ thể và quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương để đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách cho nhóm đối tượng này.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề cử tri TP. Hải Phòng nêu như sau:
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho lao động nói chung và thanh niên nói riêng, trong đó ưu tiên thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Được hỗ trợ học nghề
Theo quy định tại Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề, thì bộ đội khi xuất ngũ có nhu cầu học nghề được ngân sách Nhà nước hỗ trợ học nghề, cụ thể:
- Nếu có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp nghề: Được cấp “Thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm học nghề. Thẻ có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp thẻ. Bộ đội xuất ngũ sử dụng thẻ này để tham gia học nghề trình độ sơ cấp ở bất kỳ cơ sở dạy nghề nào thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
- Nếu có nhu cầu học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp: Được học nghề theo cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở dạy nghề và được vay tiền để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Được trợ cấp và vay vốn để tạo việc làm
Theo quy định tại Nghị định số 122/2006/NĐ-CP ngày 26/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật số 43/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2005 về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thì bộ đội khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm tương đương 6 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu chung.
- Bộ đội xuất ngũ sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm (theo quy định tại Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 5/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg). Thanh niên làm chủ trang trại, chủ hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp sản xuất, hợp tác xã, chủ doanh nghiệp, chủ hộ gia đình… nếu có dự án khả thi thì có thể vay vốn với mức vay tối đa 500 triệu đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh và 20 triệu đồng/hộ gia đình với lãi suất ưu đãi (0,65%/tháng) từ nguồn vốn của Quỹ Quốc gia về việc làm.
- Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Chính sách cho người lao động vay tín dụng để trang trải các chi phí trước khi đi làm việc ở nước ngoài; chính sách hỗ trợ lao động thuộc 62 huyện nghèo đi xuất khẩu lao động (theo quy định của Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020).
- Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015.
Đồng thời, các quy định về hỗ trợ việc làm cho thanh niên nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự,… đã và đang được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện trong dự thảo Luật Việc làm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao chủ trì xây dựng (dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2013).
Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo