Bộ GD&ĐT: Có thể bỏ quy định hội phụ huynh được thu tiền
Sáng 22/9, chia sẻ với báo chí về vấn đề đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng GD&ĐT Trần Thị Nghĩa cho biết Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết vì có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh, theo tin tức trên báo Zing news.
Tuy nhiên, theo bà Nghĩa, cần xem xét hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo đúng hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
Thứ trưởng Trần Thị Nghĩa chỉ ra thực tế hiện nay, một số nơi phụ huynh chưa làm đúng quy định tại điều lệnh mà Bộ GD&ĐT đã ban hành ở Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011. Đây là trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện đúng theo quy định điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ đây, hội có sự kết nối để quản lý, giáo dục học sinh cùng nhà trường sao cho tốt hơn.
Thứ trưởng Nghĩa thông tin những vấn đề về học sinh hoặc các hoạt động nâng cao chất lượng học tập, nhà trường cần thông báo cho hội phụ huynh biết, cùng trao đổi thông tin cụ thể. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho các cháu. Không nên biến tướng hội phụ huynh thành tổ chức để lạm thu trong nhà trường.
Về việc có nên xóa bỏ quy định hội phụ huynh được phép thu tiền hay không, bà Nghĩa cho biết: Hội phụ huynh được thu hội phí theo quy định điều 10. Trước những biến tướng như hiện tại, Bộ GDĐT nghiên cứu có thể bỏ quy định này để tránh hiện tượng lách luật. Việc phụ huynh muốn đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện chứ sẽ không còn quy định.
Bức xúc với Hội phụ huynh từ nhiều năm qua, bà mẹ đang có con học lớp 7 cho rằng nên giải tán hội này bởi không còn nhiều ý nghĩa. Mọi hoạt động liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường, chăm lo cho con em - nhiệm vụ mà lẽ ra Ban đại diện phải làm - sẽ do từng phụ huynh thực hiện, báo Vnexpress đưa tin.
Đồng tình với quan điểm của chị Hoàng, ông Đỗ Văn Sỹ có con học tiểu học ở quận Tân Bình (TP HCM) thẳng thắn: "Hội phụ huynh bây giờ như cánh tay nối dài của nhà trường. Hễ khoản nào cần tiền mà không thể xài ngân sách, không được nhà nước duyệt thì hội đứng ra thu".
Ông dẫn chứng ngay trường con mình đang học, năm nay có lớp Hội phụ huynh đề nghị thu 100 triệu đồng để lót lại sàn nhà, thay bàn ghế, lắp máy lạnh, sắm tivi...
"Cuộc họp phụ huynh lẽ ra cần bàn bạc nhiều hơn cách tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa cha mẹ với thầy cô, nhà trường để quản lý, chăm sóc trẻ tốt hơn thì ít người bàn tới. Thời gian cuộc họp có hạn, bàn bạc xoay quanh chuyện tiền nong một lúc là hết buổi", ông Sỹ nói.
Người cha này cho rằng bất cứ khoản thu nào nhằm phục vụ tốt hơn việc học của trẻ đều xứng đáng, nhưng cần xem xét tính hợp lý, cân bằng giữa điều kiện chung của nhiều gia đình. Mặt khác, các khoản thu chi này cần minh bạch, phụ huynh phải biết được cơ sở vật chất này phục vụ cho con họ lâu dài ra sao.
"Chả lẽ mua máy lạnh xài được một năm thôi sao? Rồi lót sàn nhà, sao năm nào cũng lót? Hội phụ huynh có tính đến lâu dài, tiết kiệm không?", ông Sỹ trăn trở.
Là giáo viên đồng thời là phụ huynh của hai trẻ tiểu học, ông Vũ Hoàng Sơn ngụ quận Bình Thạnh (TP HCM) khẳng định vẫn nên duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ban này đóng vai trò kết nối, hỗ trợ giáo viên, nhà trường chăm lo học sinh tốt nhất. Ngoài ra, Ban đại diện cũng đứng ra bảo vệ quyền lợi học sinh, phụ huynh, phản biện chính sách của ngành giáo dục nếu thấy bất cập.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng đồng tình Ban đại diện không nên tham gia quá sâu vào khía cạnh thu chi tài chính, bởi vấn đề này dễ gây chia rẽ, phản ứng từ phụ huynh.
Họ chỉ nên kết nối để phụ huynh bàn bạc, thống nhất trước mỗi đề xuất thu, chi, mua sắm. "Ban đại diện hãy trở về đúng quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ của mình được nhà nước quy định", ông kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo