Xã hội

Bộ Giáo dục: Chống "sốc" nên... chia 70.000 tỷ thành hai gói

Ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng - Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT trao đổi thêm thông tin về đề án đổi mới SGK.

Vì sao chia đôi dự án?

Chia sẻ thông tin với chúng tôi, ông Thống cho biết: "Thực chất trong con số 70 nghìn tỷ có cả tiền cho việc xây dựng cơ sở vật chất lớp học, trường lớp, nhưng sau này Bộ đã tách ra, 35 nghìn tỷ là xây dựng trường lớp, bổ sung, và đầu tư vào trang thiết bị dạy học".
 
Hỏi nguyên do vì sao, là người thường trực soạn thảo đề án mà lại không nắm rõ số tiền dùng để chi tiêu vào việc gì, ông Thống chia sẻ: "Tôi không trong bộ phận dự toán mà nằm trong ban dự thảo nội dung, nên dự toán tiền nong chi phí tôi không biết chứ không phải tôi không nắm được, bản thân tôi không kiểm soát tiền chi vào việc gì nên không nhớ là tiền tiêu vào những đâu".
 
Ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học
 
Không chỉ vậy, theo ông Thống thì cùng với đề án đổi mới chương trình SGK, tên đề án rất dễ hiểu lầm, chỉ dành cho viết chương trình, viết sách nhưng thực ra để đổi mới chương trình SGK không phải chỉ có việc viết ra chương trình, viết ra bộ sách, mà nó còn bồi dưỡng, thử nghiệm thì mới triển khai đại trà được.
 
Và cụ thể, 2 đề án được xây dựng lên đó là đề án chất lượng đào tạo giáo viên với đề án đổi mới cơ sở vật chất nhà trường, thiết bị dạy học. Có nghĩa là chia ra 2 đề án nhỏ, Uỷ ban văn hóa quốc hội cũng chủ trương như vậy.
 
Ai bảo đề án chỉ có 2,5 trang?
 
Trước phản ánh của các ĐBQH cho rằng đề án đổi mới của ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trình bày rất sơ sài, thiếu thực tế.
 
Ông Thống cho hay: "Về nội dung đề án có rất nhiều vấn đề, từ mục tiêu cho đến phạm vi, định hướng đổi mới, sau đó mới đến lộ trình tiến độ, tổ chức thực hiện".
 
Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định thêm: "Đề án không phải chỉ có 2,5 trang, trong buổi làm việc với Ủy ban thường vụ QH, Thứ trưởng Hiển có mang hồ sơ của đề án bao gồm 6 tờ tài liệu.
 
Một là, tờ trình chính phủ, hai là dự thảo nghị quyết QH, ba là dự thảo đề án đổi mới chương trình cả máy chục trang, bốn là việc thực hiện ban hành nghị quyết, năm là báo cáo dự cáo các tổng về đổi mới, sáu là tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình về bản dự thảo này".
 
Sẽ chia nhỏ đề án SGK thành các dự án
 
Ông cho hay, ngay từ ban đầu tờ trình được viết khoảng 4 - 5 trang, do chưa biểu đạt hết, ông đã viết lại thành 11 trang nhưng Ủy ban quốc hội lại nói là cứ giữ lại tờ đầu khoảng 4 - 5 trang, rồi thiếu ý nào thì giải trình thêm.
 
Còn về, dự thảo NQ thì phải ngắn gọn, kiểm chứng, nhìn NQ 40 của Quốc hội cũng chỉ có 2 trang mà NQ này có 4 trang có nghĩa số lượng gấp đôi, đã là NQ QH thì không thể nói chi tiết được.
 
Về tài liệu, Thứ trưởng trình bày, ông giải thích: "Đây là 2 tài liệu được Thứ trưởng Hiển trình bày cho nên rất ngắn gọn chứ không phải trình bày đề án vì nếu trình bày đề án thì rất chi tiết".
 
Theo ông Thống thì cái 2,5 trang là báo cáo tác động của đề án này vào thực tế, một trong 6 tài liệu của hồ sơ, chứ không phải nội dung cụ thể.
 
Bản thân ông công nhận là báo cáo tác động còn sơ sài, cho nên nếu phê phán thì phải nói đến sự sơ sài của báo cáo tác động chứ không phải sơ sài tất cả nội dung đề án đổi mới.
 
Trước đó, ngày 15/4, tại cuộc họp báo về việc đề án đổi mới chương trình, SGK và con số 34.275 tỷ đồng để thực hiện, ông Thống cho rằng đây chỉ là “con số khái toán lúc đầu, tạm hình dung ra” và “trong 34.275 tỷ đồng có đến 7-8 đầu việc”.
 
Trước câu hỏi về chi tiết khái toán cho từng đầu việc, ông Thống cho biết Ban soạn thảo Đề án có tính cho từng mục, nhưng ông “không nhớ chính xác”.
 
Vị thường trực ban soạn thảo đề án này còn cho biết năm 2013, Bộ có đưa ra con số 70.000 tỷ dự toán cho Đề án và con số này đã gây "sốc" trong dư luận. Năm nay, Bộ tách việc xây dựng cơ sở vật chất sang một đề án khác và con số cho Đề án soạn thảo chương trình, sách giáo khoa giảm xuống 34.275 tỷ đồng.
 
“Đổi mới lần này quan trọng nhất không phải nội dung mà là đổi mới về cách dạy và cách học. Vì thế số đầu tư cho trang thiết bị chúng tôi nghĩ sẽ không nhiều. Bộ sẽ đưa yêu cầu tối thiểu cho một trường để triển khai chương trình mới, trong đó sẽ chỉ có những yếu tố cơ bản như đủ phòng học,” ông Thống nói.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo