Xã hội

Bộ Giao thông vận tải loay hoay đặt tên xe

Dù đã được tạo cơ chế, hỗ trợ kinh phí song sau gần 6 năm, tới nay,các loại phương tiện này vẫn mặc sức tung hoành, còn Bộ GTVT vẫn loay hoay tìm xe thay thế.

Theo Nghị quyết 32/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông của Chính phủ, từ ngày 1/1/2008 hàng loạt loại phương tiện “hết đát” và xe tự chế phải ngừng hoạt động. Trong đó, các loại phương tiện được chỉ mặt, đặt tên gồm: ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe 3-4 bánh tự chế.

Xe tải nhẹ 500kg có thể thay thế xe công nông
 
Ngoài yêu cầu chấm dứt hoạt động vận tải, lưu thông trên đường thì các chế tài mạnh tay cũng được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ.
 
Ngày 8/11/2007, Thủ tướng cũng có Quyết định số 1491/QĐ-TTg về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng. Trong đó, đáng chú ý là Chính phủ đã tạo cơ chế để các doanh nghiệp sản xuất ôtô nghiên cứu, sản xuất phương tiện thay thế cho xe quá niên hạn, công nông và xe tự chế.
 
Chưa có xe đạt chuẩn
 
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã có yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng thông tư về việc sản xuất xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và cơ sở kỹ thuật kiểm định cho loại xe này.
 
Theo lộ trình, trước ngày 1/4/2014, Bộ Tài chính phải xây dựng đề xuất cơ chế ưu đãi chuyển đổi phương tiện đối với đối tượng là các hộ gia đình thương binh đang sử dụng các loại xe thuộc diện bị cấm lưu hành để chuyển đổi sang loại phương tiện 4 bánh có gắn động cơ. 
 
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã sản xuất ra những loại xe phù hợp để thay thế cho xe công nông, xe tự chế với những ưu điểm thỏa mãn điều kiện thay thế như nhỏ gọn, tính cơ động, linh hoạt cao, giá thành vừa phải, số xe này có thể thay thế lượng xe cấm nêu trên. 
 
Nhưng vướng mắc chính lại nằm ở cơ quan quản lý. Các đơn vị này chưa hề có bộ quy chuẩn cho loại xe này nên không thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất vào cuộc. Mặt khác, có doanh nghiệp đã nhắm tới và sản xuất ra thì lại chưa có hệ thống quy chuẩn để đối chiếu nên không được cơ quan chức năng cho phép lưu hành. 
 
Ngày 17/5/2013, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng giải quyết thủ tục đăng kiểm cho các xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ sau thí điểm. Qua văn bản này, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao cho Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, cùng với việc xem xét bổ sung hoàn chỉnh các quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với loại xe này.
 
Vậy nhưng, ngay cách gọi tên về loại xe này cũng rất mơ hồ. Tháng 10/2013, Công ty TNHH T&T Motor giới thiệu ra thị trường mẫu xe Exotic, một loại xe có tên gọi “môtô 4 bánh chở hàng”. Theo mô tả của T&T, đây là loại xe “có thiết kế giống như xe tải nhỏ khá trang nhã và bắt mắt”.
 
Vấn đề là, nếu đó là một chiếc ôtô thì tại sao lại gọi là môtô? Còn nếu là môtô thì lại càng có vẻ như lạc loại khi đứng trong hàng ngũ môtô bởi kiểu dáng, cách vận hành và hàng loạt chi tiết kỹ thuật khác hầu như không có sự tương đồng nào. Hay như cách gọi của nhà sản xuất, sở dĩ đây là môtô bởi chủ sở hữu chỉ phải đóng phí đường bộ và chịu các chế tài xử phạt như với một chiếc môtô thông thường?
 
Vậy là, sau gần 6 năm thực hiện kế hoạch sản xuất loại xe mới và thay thế các loại phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu hành, việc định hình một loại xe cụ thể và thậm chí khi nó ra đời và đã bán ra thị trường, đã lưu hành hàng nghìn chiếc, thì tên gọi chính thức của nó cũng chưa được đặt.
 
Ông Nguyễn Hữu Dánh - Phó cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết: “Hiện cả nước có 8.995 xe đăng ký là những xe thuộc diện thí điểm chuyển đổi. Số phương tiện này quá nhỏ so với nhu cầu thực tế của người dân tại các vùng nông thôn, miền núi.
 
Nếu các xe thuộc diện phục vụ cho việc chuyển đổi phù hợp hơn tôi dám chắc sẽ bán nhanh hơn cả xe đạp điện (hiện có hơn 1 triệu xe) bởi đây là nhu cầu thiết thực của người dân”. 
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay cả nước có 6.017 trên tổng số 15.777 xe được được hỗ trợ thay thế, còn tới 9.760 xe công nông vẫn lén lút hoạt động hoặc chưa được chuyển đổi.
 
Ông Trần Văn Ơi - Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định cho biết: “Phương tiện thay thế hiện nay chưa phù hợp, chẳng hạn như loại xe có công suất động cơ là 250cc chỉ có thể chạy được ở địa hình đồng bằng.
 
Người nông dân ở các vùng miền núi, đường đèo dốc thì cần các loại phương tiện nhỏ, leo được dốc, có tính cơ động cao, nhà sản xuất lại không đáp ứng được.
 
Để phù hợp với những nơi có địa thế phức tạp thì động cơ phải lớn hơn, hộp số mạnh hơn và giá thành phải phù hợp. 
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo