Bộ Giao thông Vận tải sẽ khai tử xe máy cũ tại 5 thành phố?
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tại hội nghị về an toàn giao thông tổ chức hôm 22-11 ở Hà Nội, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết tới đây, những xe máy cũ khi kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhiều lần không đạt thì phải bị loại bỏ. Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự thảo đề án kiểm soát khí thải xe máy đang được Bộ Giao thông Vận tải xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Áp dụng tại 5 thành phố
Theo ông Giao, ở nước ta, xe máy chiếm đến 95% lượng xe cơ giới và đáp ứng 90% nhu cầu đi lại tại các thành phố. “Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều xe máy nhưng không được kiểm soát chặt chẽ đang là nguyên nhân gây ra tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Từ lâu, xe máy sản xuất trong nước và nhập khẩu đã được kiểm tra ngay từ đầu về chất lượng, an toàn kỹ thuật và khí thải nhưng sau đó, khi xe đưa vào lưu hành thì không bị một hình thức kiểm tra nào” - ông Giao phân tích.
Hiện nhiều nơi trên thế giới như châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore… đã kiểm tra xe máy cũ. “Họ sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ kinh tế để loại bỏ xe máy cũ mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường” - ông Giao nói.
Nhận thấy việc kiểm tra xe cũ ở Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn nên lần này, Cục Đăng kiểm đề xuất kiểm tra khí thải theo thời gian lưu hành của phương tiện. Theo đó, những xe lưu hành chưa quá 5 năm sẽ không thuộc diện phải kiểm tra khí thải. Việc kiểm tra khí thải, dán tem chứng nhận sẽ được thực hiện hằng năm. Trước tiên, sẽ kiểm tra khí thải xe máy tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Không tịch thu nhưng bị phạt
Đề án kiểm soát khí thải xe máy đã được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, soạn thảo từ năm 2008. Tuy nhiên đến nay, dự thảo đề án vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải thông qua để trình Chính phủ phê duyệt vì nhiều nguyên nhân. Rút kinh nghiệm lần trước, dự thảo lần này chỉ đề xuất kiểm tra khí thải. Theo ông Trịnh Ngọc Giao, trong tương lai, ngoài khí thải cũng cần bắt buộc kiểm định an toàn kỹ thuật đối với tất cả xe máy đang lưu hành. Những xe không đạt tiêu chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm định lại. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, việc kiểm định an toàn kỹ thuật chưa thể làm ngay mà phải từng bước.
Do trong nước chưa sản xuất được nên Cục Đăng kiểm sẽ nhập khẩu thiết bị kiểm tra khí thải để trang bị cho các cơ sở đăng kiểm tại 5 thành phố lớn. Sau khi đề án được Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ họp bàn với 5 hãng sản xuất xe máy lớn để tận dụng khoảng 500 đại lý ủy nhiệm của họ trên toàn quốc tham gia kiểm tra khí thải xe máy.
Ông Giao cho biết: “Thiết bị kiểm tra khí thải sẽ do các hãng xe trang bị. Chủ phương tiện chỉ phải trả một khoản phí kiểm tra rất thấp và nhận được giấy chứng nhận cùng tem đạt chuẩn nếu phương tiện đạt yêu cầu về khí thải. Xe nào chưa đạt tiêu chuẩn về khí thải sẽ được đề nghị sửa chữa để kiểm tra lại”.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự thảo đề án không đề cập việc tịch thu phương tiện sau nhiều lần kiểm tra mà khí thải vẫn không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi lưu thông, những xe máy không có giấy/tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn về khí thải sẽ bị xử phạt theo Nghị định 71 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; những xe cũ, không đạt tiêu chuẩn về khí thải sẽ bị loại bỏ
Lao động nghèo bị ảnh hưởng
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, do suy giảm kinh tế, đời sống của đại bộ phận người dân đang hết sức khó khăn. “Việc kiểm soát khí thải để chống ô nhiễm ở các đô thị là việc làm cần thiết nhưng cần phải có lộ trình. Hiện nay, đại bộ phận người dân đi lại bằng xe máy, trong đó rất nhiều người nghèo phải mưu sinh trên những chiếc xe máy quá cũ, nên sẽ bị ảnh hưởng” - ông nhận xét.
Thành phố Hồ Chí Minh: Xử lý gần 1.200 xe “mù’
Xác định xử lý phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật là mục tiêu quan trọng đối với việc thiết lập trật tự giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC67) đã lập tổ chuyên xử lý các loại xe không đạt tiêu chuẩn. Ra quân từ giữa tháng 6-2012 đến nay, tổ này đã xử lý gần 1.200 trường hợp mô tô không đèn, không biển số, không kính chiếu hậu, không giấy tờ...
Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó Phòng PC67, cho biết Cảnh sát Giao thông tiếp tục kiên quyết xử lý các loại xe vi phạm về kỹ thuật, an toàn theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Hồng Lĩnh (Theo Tiền Phong)
End of content
Không có tin nào tiếp theo