Bộ GTVT: Quỹ bảo trì đường thủy là ý tưởng tốt
Sau khi nhóm chuyên gia, chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã khuyến nghị cần thành lập Quỹ bảo trì đường thủy, Bộ GTVT đã bày tỏ quan điểm của mình trước đề xuất này.
Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đề án thành lập Quỹ bảo trì đường thủy
Trao đổi với Đất Việt, ngày 13/1, ông Trương Tấn Viên - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Tất cả những ý kiến này cũng sẽ là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu. Bởi vì, đây cũng là một ý tưởng tốt, còn hiện tại quan trọng là phải tìm ra được nguồn thu hợp lý cho Quỹ".
Chính vì vậy, theo quan điểm của ông Viên thì cần có thời gian để nghiên cứu, cho đến nay việc thành lập quỹ Bảo trì đường thủy Bộ GTVT cũng chưa nghĩ ra.
Ông cho biết thêm: "Đặc biệt phải biết thu nó thông qua đâu, có chỗ nào để thu thì mới tiến hành thực hiện thành lập Quỹ được".
Trước đề xuất của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu, kinh phí cho quỹ có thể được trích từ phí đăng kiểm tàu thuyền, về sau chuyển dần sang thuế, phí lưu thông, Thứ trưởng Viên cho hay: "Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT chưa có phương án nào, mới có đường bộ và các lĩnh vực khác thực hiện được việc thu phí bảo trì. Còn đường thủy cũng được giao nghiên cứu thành lập, nhưng không phải muốn là thu được ngay".
"Kể cả đường biển, bây giờ muốn thu phí phải thu ra sao, như thế nào, muốn thành lập được quỹ thì phải thu được phí", Thứ trưởng Viên so sánh.
Còn trước đánh giá của nhóm chuyên gia Ngân hàng thế giới, hiện ngành vận tải đường thủy nội địa và ven biển của Việt Nam đang gặp phải vấn đề lớn là thiếu kinh phí cả trong đầu tư cơ bản và duy tu bảo dưỡng, ông Viên thẳng thắn công nhận: "Chúng ta thiếu kinh phí đầu tư và duy tu là đúng, chúng ta hiện nay không phải thiếu mà là thiếu nghiêm trọng".
Thu phí đường thủy không đơn giản như đường bộ
Cũng bày tỏ quan điểm trước đề xuất này, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho hay: "Cho đến bây giờ việc thành lập và thu phí bảo trì đường thủy còn phụ thuộc vào Luật đường thủy, vì Bộ Luật còn chưa đưa vào thì sẽ không làm được việc đó, nếu muốn thực hiện phải sửa đổi Luật đường thủy đã".
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trường cho biết thêm: "Thời gian tới, Bộ GTVT còn phải tham khảo ý kiến, thực sự chúng ta thu cái gì, vì đường thủy không đơn giản như thu phí đường bộ, đường bộ có thể chặn xe thu phí còn đường thủy lại khác".
Còn đề xuất kinh phí cho quỹ có thể được trích từ phí đăng kiểm tàu thuyền, Thứ trưởng Trường nói: "Phí đăng ký tàu thuyền hiện nay chúng tôi đã làm rồi, đó là điều bình thường nhưng tiền đó chỉ đủ để chi phí cho một phần rất nhỏ hoạt động của đơn vị, chứ còn để dùng phí đó vào đầu tư cho đường thủy thì nó quá nhỏ bé".
Trước đó, tại hội nghị “Tìm nguồn lực mới cho tăng trưởng bền vững trong ngành vận tải và kho vận” tổ chức ngày 10/1 tại TP HCM, nhóm chuyên gia, chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã khuyến nghị Việt Nam cần thành lập Quỹ bảo trì đường thủy.
Quỹ này được kỳ vọng mang lại những kết quả kinh tế đáng kể, nhờ duy trì được năng lực lưu thông của những tuyến hành lang vận tải đường thủy nội địa chính.
Nhóm chuyên gia này cũng chỉ ra lợi thể của việc khai thác thế mạnh của ngành vận tải đường thủy là một cách hiệu quả để giải quyết thách thức song song về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ngoài khuyến nghị thành lập Quỹ bảo trì đường thủy, WB cũng cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh giảm thiểu thủ tục giấy tờ trong quy trình thông quan, nghiệp vụ xuất nhập khẩu; xác định, quản lý các tuyến hành lang kho vận đa phương tiện, bảo đảm lưu thông xe vận tải, xà lan.
Và chỉ rõ thực trạng, hiện dịch vụ kho vận của Việt Nam có chi phí cao hơn các nước cạnh tranh chính trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Nguyên nhân là do cơ chế chính sách còn rườm rà, thiếu nhất quán; thiếu tự động hóa trong các quy trình liên quan đến thương mại như thông quan hàng hóa; quy hoạch phương thức vận tải manh mún.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo