Xã hội

Bộ GTVT: Thu phí hầm Đèo Cả, dân cứ yên tâm!

Trước sự việc, hàng trăm xe bồn vận chuyển xăng dầu trên Quốc lộ 1A đang lên tiếng bị phí chồng phí, Bộ GTVT đã lên tiếng.

Ngày 6/3, ông Trình Quang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Nam Thiên Long, cho biết đang làm đơn khiếu nại lên Bộ GTVT và Công ty CP Đầu tư Đèo Cả vì đã thu phí xe bồn vận chuyển xăng dầu của công ty này khi qua lại Trạm Thu phí Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Theo ông Nam, việc hầm đường bộ qua đèo Cả chỉ mới xây dựng nhưng đã thu phí hoàn vốn khi xe qua lại 2 trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
 
“Chúng tôi đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi, giờ còn nộp phí khi qua trạm thu phí. Rõ ràng là phí chồng phí. Xe của chúng tôi chở chất cháy nổ, dẫu sau này hầm đèo Cả hoàn thành thì xe có được qua hầm đâu mà phải nộp phí. Phi lý hết sức!” - ông Nam bức xúc.
 
Chắc chắn sẽ giải quyết thiệt hại cho DN
 
Trước phản ánh này, chia sẻ thông tin với Đất Việt, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Việc thu phí trước khi chưa hoàn thiện công trình, là phương án hợp lý, vì tổng thời gian thu phí không thay đổi, thu trước thì sau sẽ không được thu".
 
Hơn nữa, theo Thứ trưởng Trường thì hầm đèo Cả được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Mà đã BOT thì Công ty Đèo Cả thu phí trong quá trình xây dựng vì đây là dự án rất lớn, mười mấy ngàn tỉ đồng để xây dựng cái hầm ấy nên cho phép thu phí trước, sau này thời gian thu phí sẽ ngắn lại.
 
Tổng thời gian thu phí sẽ không thay đổi nhưng phải thu phí trước để có khoản tiền thực hiện dự án.
 
Hầm đường bộ đèo Cả
 
Ông phân tích rõ: "Giả sử tổng thời gian thu phí hoàn vốn của công trình này là 20 năm thì thu trước 3 năm thì sau chỉ được thu 17 năm, có nghĩa thời gian không thay đổi, nên DN không phải chịu thiệt".
 
Còn về việc công ty này lên tiếng xây dựng xong xe chở xăng dầu không được đi qua là chưa chính xác. 
 
Ông cho hay: "Chắc chắn khi xe bồn không được đi qua thì Bộ sẽ có nghiên cứu xử lý những vấn đề làm thiệt hại cho DN trong quá trình đã đóng phí trước thời điểm thông qua. Cái này sẽ xử lý 1 cách triệt để nhất không để DN nào thiệt thòi".
 
Hệ thống chống cháy rất tốn kém
 
Về việc xây dựng hệ thống hầm qua đèo, theo Thứ trưởng thì chắc chắn về nguyên tắc hầm vẫn có hệ thống chống cháy, hệ thống này không thể không làm và khi có hệ thống đó thì xe nào cũng đi được.
 
Thế nhưng, ông cũng cho hay: "Việc nghiên cứu đưa hệ thống chống cháy vào trong hầm rất tốn kém. Nhưng bao giờ cũng bắt buộc đối với thiết kế hầm đường bộ, như hầm đèo Hải Vân xe chờ bồn xăng dầu vẫn chạy qua bình thường mà không có vấn đề gì".
 
Chính vì vậy, ông cho rằng: "Cứ thực hiện bình thường, tất cả các xe bồn đã đóng phí thì sẽ có phương án xử lý".
 
Bên cạnh việc thu phí, ông Nam cũng bức xúc, khi 2 trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An nâng mức thu phí lên 1,5 lần so với quy định chung kể từ ngày 5/2/2014. Nếu như trước đây, mỗi xe bồn của ông khi qua lại Trạm Thu phí Bàn Thạch chỉ nộp 80.000 đồng thì nay đã lên 120.000 đồng.
 
Theo ông Trường thì việc tăng mức thu phí lên 1,5 lần là theo đề án của Bộ tài chính, lộ trình theo Thông tư 90 sửa đổi đang được tiến hành.
 
Còn cho đến thời điểm hiện tại, Bộ chưa có bất kỳ quyết định nào về vấn đề này, chưa có thông tin nào chính thức từ Bộ.
 
Ông cho rằng: “Bộ đang nghiên cứu hướng xử lý riêng đối với xe chở xăng dầu. Tùy vào tình hình cụ thể sẽ có hướng xử lý phù hợp với việc đã đóng phí hôm nay cho sau này".
 
Còn về khả năng hoàn tiền đối với xe vận chuyển xăng dầu, theo ông Trường, việc hoàn tiền hay không là cả một vấn đề, cả một phương án tổng thể, chứ không thể nói có hoàn hay không hoàn tiền ngay bây giờ được.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo