Bộ kết luận vụ 3 nhà mạng 'bắt tay' tăng cước 3G
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chính thức công bố kết quả xác minh các dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh của 3 doanh nghiệp viễn thông trong đợt điều chỉnh cước dịch vụ dữ liệu 3G từ ngày 16/10/2013. Cục kết luận: Chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, MobiFone và Vinaphone.
Theo đó, kết quả xác minh quá trình điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Di động VNS (MobiFone), Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty dịch vụ viễn thông (Vinaphone) cho thấy:
Đợt điều chỉnh giá từ ngày 16/10/2013 của Viettel, MobiFone và Vinaphone là thực hiện theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông theo Quyết định số 32/2012/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.
Trong quá trình thực hiện điều chỉnh giá, từng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký giá cước riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đề nghị áp dụng giá cước mới của từng doanh nghiệp trong hồ sơ đăng giá cước là có sự khác biệt.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường của sự bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, MobiFone và Vinaphone khi tăng giá cước 3G.
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản chấp thuận phương án điều chỉnh giá cước dữ liệu 3G của 3 doanh nghiệp vào cùng ngày 4/10/2013, từng doanh nghiệp đã ban hành quyết định điều chỉnh giá cước ở các thời điểm khác nhau.
Phương án điều chỉnh giá các gói cước (tăng, giảm hoặc giữ nguyên), phương án cung cấp các gói cước (ngừng cung cấp một số gói cước hoặc đưa ra các gói cước mới) của 3 doanh nghiệp liệu quan cũng có nhiều điểm khác biệt.
Về việc 3 doanh nghiệp điều chỉnh một số gói cước với cùng mức tăng theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) các gói cước được điều chỉnh giống nhau đều là gói cước thông dụng và phương pháp điều chỉnh giá cước đã được cục Viễn thông phê duyệt.
Cục Quản lý cạnh tranh kết luận: Chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, Mobifone và Vinaphone trong đợt điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10/2013.
Tự ý cài ứng dụng 'luộc' tiền khách hàng
Trong thời gian Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương điều tra có hay không việc Viettel, MobiFone, Vinaphone "bắt tay" tăng cước 3G, người dùng tá hỏa khi gói cước 3G trả trước của cả 3 nhà mạng có mức tăng lên đến hơn 300%, và mất trăm tỷ cho những ứng dụng mà nhà mạng tự ý cài đặt.
Cụ thể, gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 200 đồng/MB, tăng 333,3% so với cước cũ; gói cước FC0 của MobiFone, Laptop Easy của Viettel cũng có mức tăng tương tự từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB.
Trước đây mỗi thuê bao chỉ phải tốn trung bình 60.000 đồng/tháng cho loại dịch vụ 3G này thì giờ đây họ phải tốn ít nhất 200.000 đồng/tháng.
Với đại đa số thuê bao trong khoảng 3,4 triệu thuê bao 3G phát sinh lưu lượng, sử dụng dịch vụ 3G trên máy tính bảng, USB 3G đều không đăng ký dịch vụ trọn gói, sau khi mức cước tăng nhảy vọt, nhà mạng đã kiếm thêm 500-600 tỷ đồng/tháng.
Đặc biệt, các nhà mạng tích hợp ứng dụng trên sim cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra.
Tại Vinaphone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.
Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus do nhà mạng cài đặt sẵn trên sim điện thoại, bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.
Ngoài ra, các nhà mạng đã thu tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng sổ tiền gần 693 triệu đồng tại Vinaphone.
MobiFone cũng móc túi của người dùng gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.
Viettel cũng trong tình trạng thu cước người sử dụng đối với các tin nhắn này, tiếp tục gửi quảng cáo cho người sử dụng mặc dù chủ thuê bao đã nhắn tin từ chối nhận tin nhắn quảng cáo.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2014 của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 13/12, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước theo cơ chế thị trường, giá cước được thiết lập trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng giá chung của khu vực.
Hiện nay, 3 doanh nghiệp viễn thông trên chiếm 95% thị phần viễn thông tại Việt Nam. Sau khi đồng loạt tăng cước, dư luận đều cho rằng, cả 3 doanh nghiệp đã bắt tay ép giá người tiêu dùng.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Cột tin quảng cáo