Bộ KH&ĐT ép doanh nghiệp dùng dịch vụ là trái luật?
Theo Bộ KH&ĐT, việc bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải đăng bố cáo thành lập DN, thay đổi nội dung đăng ký DN... trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia do Bộ này quản lý là để tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho DN. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc làm này là trái luật.
Có lợi cho DN?
Theo quy định tại Nghị định 05/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 và Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 của Bộ KH&ĐT hướng dẫn về đăng ký DN trái với Luật DN, DN bắt buộc phải đăng thông tin trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia - dangkykinhdoanh.gov.vn (sau đây viết tắt là Cổng thông tin), trong khi Luật DN lại cho phép đăng cả trên Cổng thông tin hoặc đăng báo.
Giải thích về quy định này, ông Đỗ Tiến Thịnh (thành viên Ban soạn thảo hai văn bản kể trên), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nghiệp vụ Đăng ký Kinh doanh (Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ KH&ĐT) cho biết, Nghị định 05 và Thông tư 01 là bước cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho DN và cơ quan quản lý, đồng thời công khai, minh bạch thông tin DN để người dân biết và giám sát; thống nhất thông tin DN về một mối.
Theo ông Thịnh, hiện, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) cũng quy định như vậy. Trước đây, khi chưa có quy định bắt buộc đăng trên Cổng thông tin, nhiều DN không thực hiện việc đăng bố cáo thông tin. Một số khác có đăng, nhưng rải rác, đăng cho có nên thiếu thống nhất, không đầy đủ thông tin…
Tình trạng này khiến việc theo dõi, giám sát chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, việc quy định để cơ quan trực tiếp quản lý thuộc Bộ KH&ĐT là phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, việc đăng ở Cổng thông tin giúp DN tiết kiệm chi phí, khi chỉ mất 300.000 đồng/lần, trong khi đăng báo chi phí lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, thực ra mức phí 300.000 đồng/lần mà Bộ KH&ĐT thu không phải thấp. Anh B.P, Trưởng phòng Quảng cáo một tờ báo uy tín tại Hà Nội cho biết, nếu DN đăng báo, mức phí cũng chỉ 300.000 đồng/lần. Thậm chí, nếu đăng vào trang liên kết về bố cáo thành lập DN, DN chỉ cần nhắn 3 tin nhắn với mức phí chỉ 15.000 đồng.
Trả lời câu hỏi, liệu quy định trên có trao “độc quyền” đăng thông tin DN cho Bộ KH&ĐT, ông Thịnh lý giải: Nếu độc quyền phải hướng tới mục đích lợi ích, nhưng quy định này chỉ hướng tới mục đích minh bạch và vì cái chung. “Mức phí 300.000 đồng/lần đăng thông tin được tính là khoản phí và lệ phí, do Bộ Tài chính quy định và nộp vào ngân sách”, ông Thịnh nói.
Cũng theo người trực tiếp quản lý Cổng thông tin của Bộ KH&ĐT, quy định phải hợp lý mới được Chính phủ ký ban hành; còn Thông tư 01 chỉ là “cóp” nguyên lại Nghị định 05. Vì thế, theo ông Thịnh, dù Cổng thông tin đã hoạt động từ tháng 10/2013, nhưng cơ quan quản lý chưa nhận được bất kể phản ánh nào của DN về những bất lợi từ quy định trên (?).
Trái luật, phải bỏ
Mới đây, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, khi các đại biểu đặt câu hỏi về “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản dưới luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận: “Đúng là có chuyện bộ ngành khi xây dựng văn bản pháp luật đều mong muốn cài lợi ích của mình vào đó. Thành thật mà nói, có luật không hoàn toàn là lobby hay chạy nhưng cũng có sự tranh thủ nọ, kia”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về nguyên tắc, trong Luật DN 2005 đã cho phép DN được lựa chọn đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đăng Cổng thông tin, thì các nghị định, thông tư phải căn cứ theo Luật. “Nếu nghị định và thông tư không đúng Luật là sai, phải hủy bỏ”, đại biểu Thuyền nói.
Theo đại biểu Thuyền, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông đã chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường về việc này và đặt ra khả năng, nếu thông tư nghị định trái luật, người dân có quyền khởi kiện?. “Trả lời tôi, Bộ trưởng Hà Hùng Cùng nói, nhiều thông tư dưới luật sai không ai sửa, không ai chịu trách nhiệm. Nên đang dự thảo quy định người dân và DN có quyền khởi kiện thông tư của các bộ ngành trái với luật”, đại biểu Thuyền cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thái Học, thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, các văn bản dưới luật không được trái luật, không được đặt ra quy định, thủ tục, rào cản mà không phù hợp với quy định của luật. “Luật DN đã quy định rất cụ thể, thì nghị định, thông tư dưới luật phải phù hợp với luật, nếu trái phải bãi bỏ. Đặc biệt trong lĩnh vực DN, phải tạo điều kiện tối đa cho họ hoạt động”, đại biểu Học nói.
Về lý giải của lãnh đạo Bộ KH&ĐT (quy định bắt buộc đăng thông tin DN trên Cổng thông tin để tạo thuận lợi và tiết kiệm cho DN - PV), đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, dù đúng như vậy cũng không được trái luật. “Điều quan trọng là DN thấy thuận lợi hay không. Các DN dựa vào luật để thực hiện, nếu anh thấy luật không phù hợp thì đề nghị sửa luật. Còn đã là nghị định và thông tư, phải cụ thể hóa luật cho phù hợp, không thể trái luật được”, ông Học thẳng thắn.
Bình luận về việc “quy định của Bộ KH&ĐT có thuận lợi cho DN hay không”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói: Thuận lợi hay không phải do DN quyết định. Luật cho phép DN có quyền được lựa chọn nơi đăng thông tin (trên báo hoặc Cổng thông tin) đấy mới là thuận lợi.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Cột tin quảng cáo