Pháp luật

Bộ LĐTBXH trả lời về điều chỉnh mức trợ cấp cho người cao tuổi

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII, cử tri một số tỉnh (Yên Bái, Bình Dương, Cà Mau, Ninh Thuận, Trà Vinh, Bạc Liêu, Long An, Bến Tre,...) kiến nghị về nâng mức trợ cấp, mở rộng đối tượng, hạ độ tuổi đối với người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến của cử tri các tỉnh như sau:

 
Về nâng mức trợ cấp cho người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội
 
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ từng bước điều chỉnh mức trợ cấp cho người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với điều kiện thực tế. 
 
Cụ thể, ngày 8/4/1994 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg quy định mức trợ cấp tối thiểu 24.000 đồng/người/tháng; ngày 9/3/2000 Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2000/NĐ-CP quy định mức trợ cấp tối thiểu 45.000 đồng/người/tháng; ngày 27/2/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội với mức chuẩn trợ cấp là 180.000 đồng/ người/tháng. 
 
Mới đây, ngày 21/10/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thay thế Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP với mức chuẩn trợ cấp được nâng lên 270.000 đồng/người/tháng. 
 
Nhưng, hiện nay có một số khó khăn nên Chính phủ đã ra Nghị quyết số 142/NQ-CP ngày 31/12/2013 lui thời gian thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan sẽ trình Chính phủ thực hiện trong thời gian phù hợp.
 
Về hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xuống 75 tuổi 
 
Về hạ độ tuổi hưởng chính sách trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, trong thời gian vừa qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã 3 lần trình Chính phủ ban hành: Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 quy định giảm độ tuổi người cao tuổi xuống còn 85 tuổi; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi một lần nữa giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội xuống còn 80 tuổi. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ trong thời điểm nền kinh tế, nguồn thu ngân sách đang khó khăn.
 
Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình thuộc vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, trong đó nhiều hộ có người cao tuổi, như chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ gạo… đã góp phần bảo đảm đời sống cho các hộ gia đình.
 
Trong thời gian tới, khi điều kiện kinh tế cho phép, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Người cao tuổi, trong đó có việc hạ độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.
 
Về đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội
 
Về đề nghị người từ đủ 75 tuổi đang hưởng các chính sách BHXH, người có công đều được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi đã được thể hiện cụ thể thông qua Luật Người cao tuổi, theo đó tại Điều 17 của Luật Người cao tuổi thì đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội gồm: 
 
- Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. 
 
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
 
Đối tượng người cao tuổi kể trên là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhất nên được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để cải thiện đời sống. Còn đối tượng là người về hưu, nghỉ mất sức lao động từ 75 tuổi trở lên chưa thuộc đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội một phần là do ngân sách Nhà nước hiện nay chưa bố trí được. Hơn nữa, người về hưu, nghỉ mất sức lao động từ 75 tuổi trở lên đã có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thì cuộc sống cũng ít khó khăn hơn nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Theo ĐTCP
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo