Pháp luật

Bộ luật dân sự sửa đổi: Nên có 2 hay 3 hình thức sở hữu?

Sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật dân sự, trong đó quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.

 
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Bộ luật dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại.... Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ một quy định nào của bộ luật hiện hành cũng cần được cân nhắc thận trọng và thuyết minh cụ thể lý do, làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định.
 
Đặc biệt, các đại biểu quan tâm đến việc quy định rõ các vấn đề về hình thức sở hữu trong dự thảo Bộ luật dân sự. Một số ý kiến cho rằng, để cụ thể hóa và bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu toàn dân, Bộ luật dân sự cần quy định ba hình thức sở hữu gồm: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. 
 
Theo các đại biểu, việc phân loại như trên bảo đảm tính thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với nguyên tắc xác định hình thức sở hữu. Theo đó, khi xác định hình thức sở hữu thì cần phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể cụ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành. Hiến pháp năm 2013 quy định, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý các tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do đó, có thể xác định Nhà nước chính là chủ thể có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản này. Vì vậy, trên cơ sở sở hữu toàn dân, Bộ luật dân sự cần ghi nhận cụ thể vai trò của Nhà nước trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản công.
 
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, Bộ luật dân sự chỉ nên quy định hai hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản; sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Theo đó, việc quy định sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là để phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp là tài sản công thuộc sở hữu của toàn dân, đồng thời tạo chế độ pháp lý cụ thể để Nhà nước thực hiện vai trò của mình trong đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý tài sản công.
 
"Tôi cho rằng, luật phải ghi sở hữu toàn dân là sở hữu chung lớn nhất, do Nhà nước đại diện. Vì đây là khái niệm chính trị hơn là khái niệm pháp lý. Ngoài ra, phải bàn tính lại, Nhà nước và tổ chức của Nhà nước, cái nào là pháp nhân, không pháp nhân, có tài sản thế nào… Không nói chung chung được", đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh nói.
 
Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh – Tp Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thiết kế quyền sở hữu như trong dự thảo là quá rộng, quá thoáng, tòa án sẽ rất khó xử. 
 
“Ví dụ nhà ở 20-30 năm không có tranh chấp thì họ có quyền được xác lập quyền sở hữu không? Nhà cửa cũng vậy, nếu chỉ giao nhà xong, được coi là hợp pháp thì căn cứ vào đâu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp đó? Vì hiện nay, mua bán nhà xong, người mua phải làm thủ tục với cơ quan đăng ký để Nhà nước bảo vệ. Nếu bộ luật không quy định cụ thể việc này sẽ có nhiều vấn đề phát sinh", ông nói. 
 
Nhiều ý kiến cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật này. Theo đó sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. 
 
“Bộ luật này chỉ sau Hiến pháp, vì vậy sau kỳ họp 8, phải lấy ý kiến nhân dân về bộ luật này, nhưng việc lấy ý kiến phải thực chất, tránh hình thức, vì bộ luật này liên quan rộng rãi đến mọi quan hệ trong xã hội, liên quan đến cả người đã chết", đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP. Hồ Chí Minh nói.
 
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và dự án Luật thú y.
Theo HNM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo