Pháp luật

Bộ luật Hình sự sửa đổi: Xóa rào cản trong kinh doanh

Bộ luật Hình sự được sửa đổi theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do kinh doanh của người dân bằng việc bãi bỏ hàng loạt tội danh đang là những rào cản rất lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc góp ý Luật Hình sự sửa đổi nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều chuyên gia, tổ chức

 

Tại hội thảo “Bộ luật Hình sự dưới góc nhìn của DN” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, VCCI tổ chức, bà Lê Thị Hòa, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho hay, dự thảo sửa đổi Bộ luật này chuẩn bị trình Quốc hội sẽ không còn các tội danh: cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165); kinh doanh trái phép (điều 159); báo cáo sai trong quản lý kinh tế (điều 167) và quảng cáo gian dối (điều 168).

 

Được làm những gì pháp luật không cấm

 

Theo bà Hòa, việc bãi bỏ các tội này, theo cơ quan soạn thảo, là xuất phát từ yêu cầu phát huy tính năng động, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh tế. Cơ quan soạn thảo và nhiều các chuyên gia đều cho rằng điều này sẽ giúp loại bỏ được những rào cản rất lớn đối với sản xuất kinh doanh.

 

Bình luận về tội kinh doanh trái phép được quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành, LS Trương Thanh Đức (Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cho rằng đây là một hạn chế rất lớn đối với quyền tự do kinh doanh.

 

Còn theo bà Lê Thị Hòa, Luật Đầu tư 2014 đã quy định những lĩnh vực cấm kinh doanh và những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, một số lĩnh vực khác thì Bộ luật Hình sự đã có quy định cụ thể như tội vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, hoặc tội phạm trong lĩnh vực đất đai, bảo hiểm, buôn bán vũ khí… Do đó, việc duy trì tội danh này là không cần thiết trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như hiện nay.

 

Về tội cố ý làm trái, cơ quan soạn thảo cho rằng nền kinh tế thị trường lành mạnh đòi hỏi nhà nước xây dựng hành lang pháp lý để người dân được quyền làm những điều pháp luật không cấm, năng động, tìm tòi, sáng tạo để làm giàu cho bản thân và xã hội. Nỗi sợ vướng vào tội này đã làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất kinh doanh. “Đây thực sự là rào cản lớn cho quá trình phát triển kinh tế” - đại diện cơ quan soạn thảo khẳng định.

 

Pháp nhân sẽ bị xử lý hình sự

 

Một vấn đề khác cũng hết sức được cộng đồng DN quan tâm là việc dự thảo Bộ luật Hình sự bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thiết kế thành một chương riêng.

 

Theo TS. Lê Đăng Doanh (Đại học Luật Hà Nội), trong thực tế, nhiều vụ việc pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm rất tinh vi. Nếu không quy định trách nhiệm pháp nhân thì cơ quan điều tra sẽ không thể tham gia, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ… khiến việc xử lý trách nhiệm chỉ ở phần “ngọn”.

 

Cơ sở thực tiễn của thay đổi này là các vụ việc gây rúng động dư luận thời gian qua như vụ việc Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Cty CP Nicotex Thành Thái  (Thanh Hóa), Cty Tung Kuang tại Hải Dương xả thải trộm… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không xử lý được triệt để do thiếu nguồn quy định pháp luật. Thậm chí, nhiều pháp nhân có vốn đầu tư nước ngoài lách luật bằng cách khi có vi phạm thì công ty mẹ điều ngay TCty của Cty con tại Việt Nam về nước và thay bằng TGĐ khác khiến pháp luật bó tay vì chỉ truy tố được cá nhân.

 

 Hình sự hóa quan hệ kinh tế: Nỗi sợ hãi của DN

 

Nhiều DN thường phải vay mượn vốn để sản xuất, kinh doanh nhưng khi không trả được nợ, thì nhiều trường hợp bị quy vào hành vi chiếm đoạt tài sản, bị truy tố trước tòa. Đây chính là hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, là nỗi sợ hãi của DN. TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) kể về một trường hợp oan sai do bị hình sự hóa một quan hệ kinh tế từ năm 1992 nhưng đến giờ vẫn để lại hậu quả. Ông James Chor Hang Chow (quốc tịch Canada) nợ Cty Vận tải biển Khánh Hòa tiền thuê tàu biển, không thanh toán đúng hạn. Cuối năm 1991, Trọng tài kinh tế TP HCM ra quyết định buộc ông Chow phải trả cho Cty Vận tải biển Khánh Hòa 213.000 USD, ông Chow khiếu nại quyết định này. Trong khi đang chờ kết quả khiếu nại, thì tháng 8/1992, ông Chow bị bắt giam với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Tàu của ông bị giao cho Cty Vận tải biển Khánh Hòa quản lý, khai thác trong thời gian chờ xét xử. Mãi đến phiên phúc thẩm tháng 8/1995, TAND tối cao nhận định ông Chow không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, đây là một quan hệ kinh tế đơn thuần. Nhưng lúc đó mọi thủ tục bán  tàu của ông đã hoàn tất, Cty Vận tải biển Khánh Hòa thì đã giải thể và đến nay, ông Chow vẫn chưa đòi được tài sản của mình.

 

Luật sư Nguyễn Duy Nguyên, Phó tổng giám đốc Cty luật Hoàng Giao và Cộng sự nhận xét: “Thực tế, một số cán bộ trong cơ quan tố tụng đã lợi dụng chức vụ của mình, hoặc động cơ cá nhân, mà sử dụng các biện pháp hình sự như một biện pháp cưỡng chế nhà nước”.

 

 

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, theo thống kê của Viện, trung bình một năm, riêng hai loại tội danh lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã ra quyết định đình chỉ điều tra trên 100 vụ với gần 120 bị can, vì hành vi của những người này chỉ là hành vi dân sự, không cấu thành các tội mà họ bị cáo buộc. Nỗi lo sợ bị hình sự hóa kinh tế khiến các doanh nhân luôn sống trong tâm trạng bất an khi phải vay để kinh doanh.

 

Tuy vậy, ngoài việc Nhà nước cần ban hành ngay các quy định pháp luật thì chính các DN cũng phải thay đổi nhận thức của mình. Bởi có một thực tế là khi DN này bị DN khác nợ, họ thường đề nghị cơ quan tố tụng khởi tố vì cho rằng làm như thế sẽ đòi nợ nhanh hơn. “Nếu các DN còn không biết thương lấy nhau, thì sẽ chẳng bao giờ hết các vụ việc quan hệ kinh tế bị hình sự hóa”, luật sư Nguyên nói. 

Theo diễn đàn doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo