Bố mẹ đánh con phải nhập viện sẽ bị xử lý thế nào?
Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, ngày 7/10, trên một số trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh một cháu bé nằm trên giường với vết thương ở mông tím bầm, tứa máu và được cho nguyên nhân bởi người bố đẻ bạo hành con.
ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Ông Hải xác nhận, hôm qua (6/10), trên địa bàn thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình có xảy ra một vụ việc bố đánh con và phải đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Phú Bình. Cháu bé tên là Tạ Văn L. (13 tuổi), đang theo học lớp 7 tại trường THCS của địa phương.
Theo ông Hải, ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã đến nhà cháu bé để tìm hiểu và thăm cháu trong bệnh viện. Bước đầu xác định, nguyên nhân của vụ việc là do cháu L. bỏ học chơi điện tử nên sau khi đi tìm được, bố cháu đã dùng que tre để đánh con.
"Khi biết tin cháu L. bỏ học khoảng 10 ngày nay, xe đạp cũng bán để lấy tiền chơi điện tử và có một số hành vi trộm cắp vặt thì anh Tạ Văn Linh (bố của cháu L.) đi tìm. Thấy con ở quán điện tử gần trường cấp 3, anh Linh có đánh một hai cái và cháu bỏ chạy.
Anh Linh đuổi theo và sau khi tìm thấy con ở khu vực cánh đồng, anh Linh do không kiềm chế được đã dùng que tre đánh vào mông cháu gây ra vết thương. Sau khi về nhà, bà cháu kiểm tra thấy tím và chảy máu nên đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Bình để điều trị", ông Hải thông tin.
Ngày 8/10, Công an huyện Phú Bình, Thái Nguyên cho biết đang điều tra làm rõ vụ việc bé trai bị bố đánh bầm dập mông, rớm máu phải nhập viện.
Trước câu hỏi thắc mắc của độc giả gửi đến Doanh nghiệp Việt Nam, khi cha mẹ đánh con đến mức nhập viện bị xử lý thế nào, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp đã trả lời cụ thể.
Theo luật sư Thái, luật pháp Việt Nam không có quy định nào cho phép cha mẹ được đánh con. Vì vậy, bất cứ trường hợp nào cha mẹ đánh con đều vi phạm pháp luật và bị xử lý theo mức độ và hành vi vi phạm.
Trong mọi trường hợp cha (mẹ) đánh con để lại hậu quả nghiêm trọng thì đều có thể bị khởi tố. Cụ thể, nếu giám định thương tật của trẻ thấp, không đáng kể dưới 11% và các cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét tội cố ý gây thương tích, nhưng với chứng cứ trẻ bị hành hạ nhiều lần thì cha (mẹ) có thể bị khởi tố về tội hành hạ người khác với hình phạt từ 1 đến 5 năm tù.
Còn nếu thương tật của trẻ chỉ dưới 11% nhưng đáng kể hoặc trên 11% thì cha (mẹ) có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Mức hình phạt thấp nhất cho tội này là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức hình phạt cụ thể phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật của trẻ cũng như hành vi cụ thể khi gây thương tích của cha (mẹ).
Trong một số trường hợp nếu Cha (mẹ) đánh trẻ để lại hậu quả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích cho trẻ theo điểm d, khoản 1, Điều 104, hoặc khoản 2 Điều 104 hoặc khoản 3 Điều 104 BLHS với mức hình phạt có thể đến 15 năm tù.
End of content
Không có tin nào tiếp theo