Thị trường

Bò ngoại đánh bại bò nội?

Hầu hết thịt bò đang bày bán trên thị trường là bò nhập khẩu. Bây giờ không chỉ là bò Úc, bò Mỹ mà còn có bò Lào, bò Campuchia và cả bò Myanmar!

 Sản phẩm thịt bò Úc bán phổ biến trên thị trường hiện nay

Bò nội đâu rồi?

Tổng đàn bò thịt của Việt Nam giảm liên tiếp trong những năm gần đây, từ mức 7 triệu con xuống còn khoảng 5 triệu con hiện nay. Chủ yếu bò thịt được chăn nuôi nhỏ lẻ ở các nông hộ nằm rải rác khắp các vùng miền trên cả nước. Sản lượng này chỉ đủ cung cấp cho các địa phương, không dư cho nhu cầu tại các trung tâm đô thị. Hiện, mỗi ngày cả nước tiêu thụ khoảng 3.000 con bò thịt, trong đó, riêng TP HCM là khoảng 600 con. Bởi nhu cầu đã vượt khá xa so với khả năng cung ứng nội địa nên các doanh nghiệp, thương lái phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phần lớn thịt bò bán lẻ trên thị trường hiện nay chủ yếu là bò sống nhập từ: Thái Lan, Campuchia, Lào và cả Myanmar vào nước ta qua cửa khẩu: Tri Tôn, Tịnh Biên, Lao Bảo... sau đó được giết mổ và đưa ra thị trường. Đây là những sản phẩm thịt bò lâu nay người tiêu dùng trong nước vẫn lầm tưởng là bò Việt. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2013, tổng lượng trâu bò nhập khẩu từ các nước kể trên ước tính khoảng 150.000 con. Nhưng đây chỉ là con số thống kê nhập khẩu chính ngạch của các cơ quan chức năng, còn con số thực tế chắc chắn sẽ cao hơn nhiều bởi nhu cầu tiêu thụ hiện rất lớn.

Theo chị Nguyễn Ngọc Lan, quận 10, TP HCM, lâu nay chị vẫn mua thịt bò và chưa từng hỏi có nguồn gốc từ đâu vì cứ đinh ninh rằng đó là thịt bò trong nước. Với bò ngoại thì chị chỉ biết đến bò Úc do chất lượng thịt rất khác thịt bò trong nước nên dễ dàng phân biệt được.

Trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho rằng: Trong một thời gian dài thị trường trong nước thiếu nguồn cung đã kích thích nhập khẩu tiểu ngạch bò thịt về để giết mổ. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thú y và vệ sinh thực phẩm. Để tăng lợi nhuận, nhiều thương lái đã không ngần ngại bơm nước vào thịt bò để nâng trọng lượng; quy trình giết mổ, bảo quản, vận chuyển cũng chưa được kiểm soát tốt. Ngoài ra, việc khan hiếm bò thịt dẫn đến mất cân đối cung cầu gây nên sốt giá ở nhiều thời điểm.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ tháng 9-2013 Vissan đã bắt đầu nhập khẩu bò từ Úc về để giết mổ cung cấp thịt tươi ra thị trường. Hiện nay, mỗi ngày Vissan giết mổ 40 con bò Úc, góp phần ổn định thị trường, giảm lượng bò nhập khẩu tiểu ngạch, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì bò Úc được đánh giá cao về chất lượng do được nuôi trong môi trường công nghiệp, sạch, không dịch bệnh.

Thịt bò Úc đang chiếm thị phần khá lớn tại Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị. Không riêng gì Vissan, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã nhập khẩu nhiều bò Úc về để bán trong nước. Với chất lượng thịt mềm, ngọt mà giá cả chỉ nhỉnh hơn thịt bò trong nước 3-5% thịt bò Úc đáp ứng khá tốt thị hiếu của người tiêu dùng nước ta. Giá bò Úc trên thị trường hiện nay cũng chỉ dao động 280-320 ngàn đồng/kg. Không chỉ được bày bán ở các cửa hàng, quán ăn, sản phẩm thịt bò Úc hiện đang bán phổ biến ở hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP HCM.

Do nhu cầu tiêu dùng bò Úc gia tăng nên lượng bò thịt từ Úc nhập khẩu vào nước ta cũng tăng mạnh. Nếu năm 2012 chúng ta chỉ nhập khoảng 3.000 con bò Úc thì đến năm 2013 con số này tăng lên 67.000 con và trong 6 tháng đầu năm 2014 số lượng nhập đã hơn 70.000 con. Dự tính, cả năm 2014 nước ta sẽ nhập khoảng 150.000 còn bò Úc để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đa số thịt bò bán trên thị trường là bò nguyên con được nhập về để giết mổ, còn lượng thịt bò được giết mổ sẵn nhập về không nhiều. Theo một cán bộ Trung tâm Thú y vùng VI, lượng thịt bò đông lạnh từ nước ngoài nhập vào TP HCM không lớn, chủ yếu là hàng cao cấp nhập từ Úc, Mỹ, phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn hạng sang bởi giá thành rất đắt do phải đóng thuế cao hơn 10-15% so với nhập bò sống và cộng thêm chi phí giết mổ trong quy trình rất khắt khe của nước sở tại, chi phí bảo quản trong quá trình vận chuyển... Vì vậy, để đảm bảo giá cả hợp lý với người tiêu dùng trong nước, hầu hết doanh nghiệp chọn phương án nhập bò sống về rồi mới giết mổ cung cấp ra thị trường.

Liên kết nuôi bò thịt

Với sự cắt giảm và gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết, trong thời gian tới, không riêng gì bò thịt, các sản phẩm chăn nuôi khác nhập vào nước ta cũng sẽ gia tăng. Trong khi đó, ngành chăn nuôi bò thịt của ta chưa được đầu tư đúng mức từ con giống, đồng cỏ và công nghệ sẽ rất khó cạnh tranh với nước ngoài. Hiện nay, tỷ trọng sử dụng thịt bò chỉ ở mức 5%, so với nhu cầu thịt heo là 75% nên việc thiếu hụt nguồn cung không ảnh hưởng lớn đến thị trường, nhưng trong tương lai với nhu cầu sử dụng thịt bò ngày càng gia tăng, cộng với ưu thế của thịt bò ngoại cả về chất lượng lẫn giá cả so với bò nội, nếu không có sự đầu tư kịp thời chắc chắn ngành chăn nuôi bò thịt trong nước sẽ khó còn đất sống.

Từ thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã tính chuyện đầu tư chăn nuôi bò thịt bằng cách xây dựng trang trại, phát triển quy mô, đầu tư con giống, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn để chăn nuôi. Theo ông Văn Đức Mười, mới đây Công ty Vissan, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Nutifoood đã cùng bắt tay hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi bò thịt, bò sữa với tổng trị giá khoảng 12.000 tỉ đồng. Đây là một trong những dự án nuôi bò thịt lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp trong nước. Trong đó, HAGL tận dụng nguồn nguyên liệu của mình qua các phụ phẩm của mía, bắp, dầu cọ... để nuôi khoảng 116.000 con bò thịt và 120.000 con bò sữa tại Lào bằng công nghệ chăn nuôi của các chuyên gia hàng đầu ngành chăn nuôi từ Isarel. Vissan sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm bò thịt trên theo giá thị trường. Và gần đây cũng còn nhiều đơn vị khác tham gia nuôi bò thịt, đó là tín hiệu tốt đáp ứng nguồn cung trong nước.

Giải thích tại sao các doanh nghiệp lại chọn nuôi các giống bò thịt của nước ngoài mà không phải là giống bò trong nước, ông Văn Đức Mười lý giải, bò Úc cho sản lượng thịt cao hơn các loại bò trong nước. Sau giết mổ, tỷ lệ thịt thu hồi của bò Úc đạt 55%, trong khi đó bò vàng trong nước chỉ đạt 50%. Ngoài ra, trọng lượng của bò vàng nội địa chỉ khoảng 250kg/con, trong khi đó, các giống bò Brahman, Drought Master ở Úc có trọng lượng lên đến 500kg/con.

Trong thực tế, do đầu tư chưa đúng mức, thiếu định hướng thị trường nên dẫn đến thiếu hụt lượng thịt bò với số lượng lớn cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Với việc đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt của các doanh nghiệp Việt, hy vọng trong tương lai sẽ hình thành nên một ngành chăn nuôi bò thịt với quy mô công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, giống tốt, đem lại nguồn thịt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước thay vì phải nhập khẩu.

 

Petrotimes
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo