Thị trường

Bộ Nông nghiệp nói gì về thông tin nước mắm nhiễm Arsen?

(DNVN) - Sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả khảo sát với 67% mẫu nước mắm nhiễm asen, dư luận đã “dậy sóng”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa lên tiếng về việc này.

Mới đây, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố trong 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu thì có tới 67,3% không đạt quy định về hàm lượng asen tổng (thạch tín) cho phép trong sản phẩm. Đặc biệt, mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (lên tới 95,65% mẫu khảo sát).

Sau khi thông tin về sản phẩm nước mắm có asen, có khả năng gây ung thư, nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng. Thậm chí, nhiều đại lý đề nghị tạm thời ngưng cung cấp hàng.

Trước băn khoăn của dư luận, trả lời xung quanh thông tin này với báo chí, ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản, Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn cho rằng, công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng là sơ sài, vội vàng, các thông tin cơ bản chưa minh bạch dễ khiến người tiêu dùng hoang mang.

Ảnh minh họa.

Ông Tú cho rằng, một dự án khảo sát, nghiên cứu về an toàn thực phẩm như nước mắm cần có một hội đồng khoa học nghiệm thu dự án với những phân tích đánh giá cụ thể  và có quy trình rõ ràng. Thế nhưng, những thông tin do Vinastas công bố còn gây ra nhiều tranh cãi do chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch. 

Đại diện Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, ngay sau khi có công bố này của Vinastas, đã có một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại Nha Trang – Khánh Hòa gọi điện đến Cục để phản đối về thông tin nói trên. Cụ thể, theo những doanh nghiệp này, thông tin được Vinastas công bố là không có cơ sở, bôi xấu, ảnh hưởng đến thương hiệu nước mắm cốt truyền thống bấy lâu nay. 

Vị này cũng cho biết thêm, trước đó, ngày 10/10/2016, tại Hội thảo về  nước mắm được tổ chức tại TP. HCM do Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cùng Hội nghề cá tổ chức, Vinastas đã đề nghị được công bố thông tin nói trên nhưng đã bị cơ quan này phản đối. 

Theo ông Tú, sản phẩm nước mắm đã có từ hàng ngàn năm nay, từ những năm 1970, Việt Nam đã có tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm và đến năm 2003 được sửa đổi, bổ sung lần thứ 3. 

Thậm chí, Việt Nam và Thái Lan còn cùng tham gia xây dựng tiêu chuẩn nước mắm theo tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm CODEX quốc tế. Do đó, những thông tin từ phía Vinastas có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất nước mắm cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.  

 

Cũng lên tiếng về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng để khẳng định một sản phẩm nước mắm hay nước chấm nào đó có bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng hay không, chúng ta phải có cơ sở khoa học. Tức là, nước mắm hay nước chấm đó phải bảo đảm hai quy chuẩn về kim loại nặng và vi sinh do Bộ Y tế ban hành. Nếu hai quy chuẩn này vượt mức cho phép thì sản phẩm không bảo đảm an toàn cho người dùng.

Các con số về nước mắm được công bố mới đây chỉ là kết quả khảo sát của Vinastas, chứ không phải kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mới được công bố công khai các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán nước mắm nếu vi phạm hoặc làm tốt. Nhưng, để định hướng dư luận xã hội, Vinastas nên công khai đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp nào, khảo sát theo phương pháp nào để bảo đảm minh bạch, khoa học và thực tiễn.

"Mặc dù vậy, theo tôi, kết quả cuộc khảo sát này của Vinastas cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm phải tự nhìn nhận mình về các sản phẩm có mặt trên thị trường đã bảo đảm an toàn, chất lượng hay chưa", ông Quang nói.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo