Bố sẵn sàng làm phụ hồ suốt đời để được nghe con nói
Bất hạnh nối dài
Cách Quốc lộ 47 và sân bay Sao Vàng chỉ hơn 1km nhưng sự nhộn nhịp, hối hả dường như xa lạ đối với 3 mẹ con chị Phạm Thị Phượng (SN 1988), đội 1, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Căn nhà 3 gian nằm nép mình dưới đồi keo càng trở nên vắng vẻ, buồn tẻ khi đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá...
Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH trong nỗi đau tột cùng, câu chuyện luôn bị gián đoạn bởi tiếng khóc nghẹn ngào của chị: “Vợ chồng tôi quen nhau lúc làm công nhân ở trong Nam, năm 2010 về quê tổ chức đám cưới, niềm vui như nhân lên cùng năm đó khi tôi sinh cháu Lê Duy Hùng. Song, tôi linh cảm thấy điều không lành bởi mặc dù sinh bình thường nhưng các bác sỹ phải làm thủ thuật mãi, cháu mới cất tiếng khóc chào đời”.
Năm 2 tuổi, Hùng vẫn không có phản ứng gì đối với xung quanh. Tưởng con bị tự kỷ, vợ chồng chị Phượng vay mượn khắp nơi được 30 triệu đồng, khăn gói mang cháu xuống Trường “Ngôi nhà hạnh phúc” dưới thành phố Thanh Hóa học gần 1 năm nhưng cháu vẫn không có chuyển biến gì. Lúc mang con đi khám, bác sỹ bảo cháu bị câm điếc bẩm sinh, vợ chồng chị Phượng như chết lặng. “Trong thâm tâm chúng tôi luôn cầu trời cho các bác sỹ đoán nhầm, nhưng mọi hi vọng đều bị dập tắt khi mang cháu ra Hà Nội khám lại, cháu bị câm điếc bẩm sinh (điếc 95%)” – người mẹ trẻ nước mắt lưng tròng.
Nhà có 4 sào ruộng nhưng vì lụt lội chỉ cấy được 1 vụ lúa thu hoạch chẳng được là bao. Sau khi biết con bị bệnh, chồng chị ra Hà Nội đi phụ hồ, chi tiêu tằn tiệm lắm, hàng tháng anh cũng chỉ gửi về nhà hơn 2 triệu đồng cho 3 mẹ con trang trải cuộc sống và trả nợ ngân hàng.
Vợ chồng tiếng là cưới nhau được 5 năm nhưng thời gian ở bên nhau chẳng là bao, chỉ sum vầy trong mấy ngày Tết. Năm 2013, chị Phượng sinh cháu thứ 2 là Lê Thu Hà. Nhưng, một lần nữa bất hạnh lại ập xuống vì sau khi ra đời, cháu cứ trơ trơ, không có phản ứng gì. Hơn 1 tuổi, chị Phượng mang bé Hà ra Bệnh viện Tai, mũi, họng TW khám, cầm kết quả trên tay thì hai vợ chồng suy sụp hoàn toàn khi cháu lại cũng bị câm điếc bẩm sinh (điếc 96%). Mọi hi vọng bị dập tắt.
“Bế tắc, bất lực, đau khổ... là tất cả những gì mà lúc đó vợ chồng chúng tôi phải trải qua. Nhìn 2 con thơ dại, ước mơ một ngày nào đó chúng nghe, nói được đã vực chúng tôi gắng gượng đứng lên, chồng tôi quyết tâm cho dù phải đi phụ hồ cả đời cũng quyết kiếm tiền mua máy trợ thính cho các cháu. Không biết với đồng “lương” phụ hồ ít ỏi, lúc nào chúng tôi mới cho các cháu nghe được tiếng gọi “con ơi” của bố mẹ” – Chị Phượng ngậm ngùi!
Bán lúa, vay tiền mua máy trợ thính cho con
Cuộc sống của 3 mẹ con cứ lầm lũi, chậm chạp trôi qua từng ngày, không tiếng trẻ líu lo cười đùa, thỉnh thoảng những âm thanh ú ớ trong cổ hai đứa trẻ được phát ra khiến chị Phượng càng cảm thấy có tội với các con khi không cho chúng một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác. Nhớ lại những ngày tháng khổ cực mang con đi chữa bệnh, chị Phượng cho biết thêm: “Lúc đó chúng tôi bán hơn 1 tấn lúa, lợn, gà... có gì đáng giá là bán hết, vay mượn thêm được 30 triệu đồng mua máy trợ thính cho cháu Hùng, kết quả cũng không được khả quan lắm, phải gọi thật to cháu mới nghe được. Các bác sỹ tư vấn do cháu điếc nặng phải cấy điện cực ốc tai hết khoảng 670 triệu thì mới nghe rõ được, cùng với đó là phải cho cháu đi học trường chuyên biệt thì mới phát triển được. Đã 5 tuổi nhưng chưa dám cho cháu đi học mẫu giáo trường nhà vì sợ các cháu nghịch làm hỏng máy nghe. Thằng bé vừa đi phẫu thuật đầu ngắn thanh lưỡi độ 3 dưới Bệnh viện Nhi Thanh Hóa về. Còn bé Hà theo lời bác sỹ phải mua máy trợ thính khoảng 50 triệu. Hiện tại vợ chồng tôi đang còn nợ ngân hàng 50 triệu. Những số tiền khổng lồ mà các bác sỹ tư vấn có nằm mơ vợ chồng tôi cũng không dám nghĩ đến”.
Ngồi bên cạnh mẹ đẻ chị Phượng, bà Lê Thị Lan bị suy tim độ 3, tâm sự: “Cả 2 gia đình đều khó khăn, lúc cưới tôi cho cháu đám đất bên cạnh nhà để chúng có chỗ ra vào, tiền làm nhà chúng nó phải vay 15 triệu, anh em, họ hàng mỗi người xúm vào một tay để xây nhà. Tôi thì bệnh tật, đến tiền mua thuốc cũng không có làm sao giúp được các cháu, những lúc khỏe mạnh chạy qua chạy lại trông 2 cháu cho mẹ nó đi làm. Sao ông trời lại bắt tội cháu tôi thế này...”.
Chia tay gia đình khi cơn mưa chiều đang sầm sập kéo đến, lại một đêm dài chuẩn bị bủa vây 3 mẹ con người phụ nữ đau khổ này. Liệu những cố gắng không mệt mỏi trong cuộc sống “phụ hồ suốt đời” của người cha và nặng nhọc đè vai người mẹ trẻ xóm nghèo này có đủ tiền nuôi 2 đứa con tội nghiệp hay không, chứ chưa dám mơ gì đến cơ hội 2 cháu nghe được những âm thanh cuộc sống đang diễn ra bên mình?
End of content
Không có tin nào tiếp theo