Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan 2014 trình xin ý kiến Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung thêm một số mặt hàng thuộc diện không cấm nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan, điều này có thể dẫn đến những hạn chế về quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với các loại hàng hóa từ nước ngoài đưa vào Việt Nam để chờ xuất đi nước khác, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có thể lựa chọn gửi kho ngoại quan hoặc làm thủ tục hải quan theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Thực tế cho thấy, kho ngoại quan ở khu vực phi thuế quan nên doanh nghiệp chưa phải nộp thuế, thời hạn lưu giữ khoảng 1 năm và được gia hạn thêm 6 tháng, thủ tục đơn giản. Trong khi đó, nếu làm thủ tục hải quan theo loại hình tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp phải nộp đủ các loại thuế trừ thuế giá trị gia tăng, thời hạn lưu lại Việt Nam chỉ 60 ngày và gia hạn 60 ngày, phải thực hiện các thủ tục tạm nhập tái xuất, thanh khoản, hoàn thuế... phức tạp. Vì thế, hiện nay, khi đưa hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam chờ xuất đi nước khác, các doanh nghiệp thường lựa chọn hình thức gửi kho ngoại quan.
Mặc dù Luật Hải quan năm 2014 không quy định cụ thể các mặt hàng không được gửi kho ngoại quan, song tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan 2014 lại đề cập tới vấn đề này. Theo dự thảo, ngoài việc kế thừa nội dung của Nghị định 154/2005/NĐ-CP quy định các loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam; hàng hóa gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường; hàng hoá cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan, Bộ Tài chính còn đề xuất bổ sung thêm: “Hàng hóa xuất nhập khẩu có điều kiện; hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà và hàng hóa khác theo quy định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ được đưa từ nước ngoài vào” không được gửi kho ngoại quan.
Theo Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hồ Chí Minh, việc bổ sung nội dung quy định như vậy sẽ làm hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp đối với các mặt hàng mà nhà nước không cấm.
UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, không cho gửi kho ngoại quan đối với các mặt hàng bổ sung nêu trên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh kho ngoại quan và tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh, đặc biệt là khu vực thành phố Móng Cái vì tại địa bàn này có đến 13 kho ngoại quan và các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà chiếm tới 90% tổng lượng hàng hóa gửi kho ngoại quan để xuất đi Trung Quốc.
Hơn nữa, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế, xã hội tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đang cho phép tỉnh Cao Bằng thực hiện thí điểm đến hết năm 2015 việc tái xuất qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan đối với một số mặt hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, trong đó có cả một số mặt hàng thuộc danh mục cấm xuất nhập khẩu. Rõ ràng, việc bổ sung nhóm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa thuộc danh mục áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan không cấm xuất nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan, trong khi nhóm hàng hóa này đang được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tại tỉnh Cao Bằng dường như mâu thuẫn với những nỗ lực chung tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.
Luật Hải quan năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 được đánh giá là tiến thêm một bước lớn trong đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư… tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo báo Công thương Điện tử