Bổ sung tội 'làm giàu bất hợp pháp': Hiện nay chưa phù hợp?
Nếu đưa được tội làm giàu bất chính vào Luật hình sự thì đó là bước tiến lớn nhưng vấn đề quan trọng là đã sẵn sàng xây dựng hệ thống quản lý nguồn tiền để kiếm soát hay chưa?
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia luật pháp, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, điểm mấu chốt của việc hạn chế tham nhũng chính là hệ thống quản lý nguồn tiền thu nhập của các cá nhân, đặc biệt là công chức, viên chức Nhà nước. Việc đó không khó nếu có sự quyết tâm thực hiện của Nhà nước.
Dưới đây là phần trao đổi của luật sư Nguyễn Kiều Hưng với chúng tôi về vấn đề trên:
PV: Mới đây Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường có nhắc tới việc đưa tội làm giàu bất hợp pháp (không chứng minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập) vào Luật Hình sự, luật sư có ý kiến gì về thông tin này?
Khái niệm “làm giàu bất hợp pháp” là khá rộng, theo tôi, trong ngữ cảnh này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường muốn đề cập vấn đề làm giàu bất chính của cán bộ, công chức có liên quan đến hành vi tham nhũng. Tức là, nếu thấy anh giàu lên một cách bất thường, anh phải kê khai tài sản và chứng minh nguồn gốc của tài sản. Nếu tài sản mà anh có được là bất hợp pháp thì anh phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các tội danh quy định trong Bộ luật hình sự.
PV: Đối với vấn đề tham nhũng đang trở thành “quốc nạn”, có nên càng sớm càng tốt đưa tội làm giàu bất hợp pháp vào Luật Hình sự không?
Hiện nay, hệ thống pháp luật chưa có văn bản nào quy định như thế nào là làm giàu hợp pháp, bất hợp pháp, hay thu nhập bất chính, thu nhập chính đáng và thực tế chúng ta cũng chưa có các công cụ kiểm soát nguồn tiền, tài sản từ gốc.
Mặt khác, hành vi làm giàu bất chính với Luật Hình sự hiện tại hoàn toàn có thể điều chỉnh xử lý với các tội danh tương ứng như tội tham ô, nếu nguồn tiền đó có nguồn gốc từ tham ô, hay tội nhận hối lộ nếu chứng minh được nguồn tiền đó có từ việc nhận hối lộ …Cho nên, trong điều kiện, hoàn cảnh này, tôi thấy bổ sung thêm một tội danh gọi là tội làm giàu bất hợp pháp là chưa phù hợp.
PV: Luật sư nghĩ sao nếu có quan điểm cho rằng đưa vào luật là một việc cần thiết, là sự mở đường về nhận thức để rút ngắn hơn quá trình thực hiện?
Điều này tôi nghĩ cũng đúng nhưng cần hoàn thiện hệ thống quản lý trước hơn là để luật trên giấy quá lâu.
PV: Nếu muốn xử lý “tội làm giàu bất chính”, Việt Nam nên đồng bộ hóa các công cụ quản lý khác như thế nào?
Trước hết, chúng ta phải xây dựng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tài chính, tiền tệ, bất động sản và các động sản có đăng ký quyền sở hữu khác.
Như đã nói, cần phải làm rõ được các thuật ngữ: tiền, tài sản, thu nhập như thế nào là hợp pháp, bất hợp pháp, chính đáng hay không chính đáng. Sau đó chúng ta cần có các công cụ kiểm soát nguồn gốc, giao dịch, di chuyển của các tài sản đó. Ví dụ, dần dần hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và chuyển dịch hẳn sang thanh toán bằng chuyển khoản, thẻ tín dụng là giải pháp tối ưu, cần thiết khi trong kiểm soát tài sản, tiền tệ.
Theo đó, mỗi người dân sẽ có một tài khoản, một thẻ tín dụng để thực hiện việc thanh toán, khi anh giao dịch vượt quá số tiền quy định buộc anh phải thanh toán qua chuyển khoản hoặc thẻ tín dụng.
PV: Điểm mấu chốt để áp dụng điều luật này là phải đưa giao dịch sang chuyển khoản?
Đúng thế, như tôi đã nói ở trên, đây là điểm mấu chốt để có thể kiểm soát được nguồn tiền.
PV: Vậy cần giải pháp nào cụ thể hơn để đẩy nhanh quá trình đưa “tội làm giàu bất chính” vào luật?
Nhanh, chậm phải kể đến sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Chắc chắn như đã phân tích, muốn đưa vào luật, chúng ta cần phải tiến hành hoàn thiện, đồng bộ các quy định pháp luật liên quan. Muốn áp dụng các quy định mới vào thực tế, chúng ta cũng cần phải có những cuộc khảo sát, kê khai tài sản trên từng cá nhân để xác định tài sản hiện tại của họ là bao nhiêu (tài sản gốc), trong quá trình kê khai nếu phát hiện ra tài sản bất hợp pháp thì sẽ xử lý. Nếu không chứng minh được tài sản đó là bất hợp pháp thì xem đó là tài sản gốc. Từ đó, nếu phát sinh tài sản nào ngoài tài sản gốc, hay dịch chuyển tài sản gốc sẽ được theo dõi và kiểm soát qua hệ thống tín dụng cá nhân.
Xin cảm ơn luật sư!
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo