Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên để áp dụng cho năm 2014 với việc giữ nguyên thuế suất đối với hoạt động khai thác, chế biến vàng là 15%.
Trước đó, vào tháng tháng 8/2013, Bộ Tài chính đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác, chế biến vàng từ 15% lên 22% với lý do, trữ lượng vàng trong nước không nhiều, ước chỉ vào khoảng 154 tấn, nhưng sản lượng khai thác, chế biến chỉ vào khoảng 2.500 kg vàng/năm (trong đó, mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn mỗi năm khai thác 1.500 kg vàng).
Việc nâng thuế tài nguyên đối với vàng lên 22%, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính là hiện nay, công nghệ khai thác, chế biến vàng của các doanh nghiệp trong nước chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh tác động xấu về môi trường.
“Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không cấp phép mới khai thác vàng sa khoáng; việc thăm dò, khai thác đối vàng phải theo hướng gắn với chế biến sâu, sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đối với các mỏ đang khai thác, nếu không bảo đảm hiệu quả và yêu cầu về môi trường thì kiên quyết đóng cửa mỏ. Do đó, để hạn chế việc khai thác tài nguyên quý hiếm với trữ lượng có hạn, khuyến khích thăm dò, khai thác vàng hiệu quả và hạn chế gây ô nhiễm môi trường, cần tăng thuế suất thuế tài nguyên đối với vàng lên 25%”, thay mặt Bộ Tài chính, ông Tuấn đề nghị.
Tuy nhiên, trước sự phản ứng mạnh mẽ của doanh nghiệp khai thác, chế biến vàng, đặc biệt là sự phản ứng của 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, cuối cùng, vào tháng 10/2013, Bộ Tài chính đã phải nhượng bộ với đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nâng thuế tài nguyên đối với vàng 17% thay vì 22% như đề xuất ban đầu.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức thuế suất 17%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác vàng vẫn còn khoảng 101.861.000 đồng/kg, tổng số thuế tài nguyên mà doanh nghiệp nộp vào ngân sách chiếm chưa đến 15% giá bán. Với mức thuế suất 17%, theo ông Tuấn, hoạt động khai thác, chế biến vàng không thể lỗ như phản ánh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cuối cùng thì Bộ Tài chính đã bị doanh nghiệp vàng “hạ knock out”, không thể tăng thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác, chế biến vàng.
Ngoài hoạt động chế biến, khai thác vàng, các hoạt đông khai thác tài nguyên khác vẫn phải nộp thuế tài nguyên theo đề xuất của Bộ Tài chính hồi tháng 10/2013.
Cụ thể, kể từ ngày 1/2/2014, thuế tài nguyên đối với sắt là 12%, titan là 16%, wolfram và antimoan là 18%, đồng là 13% thay vì mức thuế suất 10%, 11% 10% và 10% như hiện hành, nhưng thấp hơn so với đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính tính toán, với mức thuế suất thuế tài nguyên 12%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác sắt vẫn còn 14.488 đồng/tấn; mức lợi nhuận này đối với đồng là 1.502.000 đồng/tấn.
Ban đầu, Bộ Tài chính dự tính, năm 2014, ngân sách nhà nước sẽ thu được 2.279 tỷ đồng từ thuế tài nguyên, còn nếu đánh thuế tài nguyên 17% đối với vàng và các tài nguyên khác áp dụng theo Biểu thuế suất thuế tài nguyên vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì năm 2014, ngân sách giảm thu 141 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do không nâng được thuế tài nguyên đối với vàng lên 17% vì vậy, năm 2014, ngân sách chắc chắn khó có thể thu được 2.138 tỷ đồng từ hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Báo Đầu Tư