Bộ Tài chính: Đáng ra, giá xăng có thể phải tăng đến hơn 3.000 đồng/lít
Theo Bộ Tài chính, do biến động giá thế giới tăng cao lên đến 14,32% trong suốt nửa tháng qua nên nếu như liên Bộ Công thương - Tài chính không sử dụng Quỹ BOG, giá xăng có thể phải tăng đến hơn 3.000 đồng/lít.
Bộ Tài chính cho hay, trong lần điều hành này, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước, nhằm giảm bớt mức tăng giá xăng dầu trong nước trước áp lực tăng của giá xăng dầu thế giới nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, Liên Bộ đã sử dụng đồng thời nhiều các công cụ tài chính khác như thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
Trong đó, đối với mặt hàng dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh (dầu điêzen và dầu madut), Liên Bộ đã không điều chỉnh tăng giá bán mà đã giảm thuế nhập khẩu (dầu điêzen giảm từ 20% xuống còn 12%, dầu madut giảm từ 25% xuống còn 13%) và tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá (dầu điêzen tăng sử dụng thêm 188 đồng/lít lên mức 322 đồng/lít, dầu madut tăng sử dụng thêm 80 đồng/kg lên mức 303 đồng/kg) để giữ ổn định giá bán các loại dầu này (dầu điêzen 0,05S).
Đối với mặt hàng xăng - mặt hàng có biến động giá thế giới tăng cao nhất (14,32%), để góp phần chia sẻ với người tiêu dùng, Liên Bộ đã cho phép tăng sử dụng Quỹ BOG thêm 446 đồng/lít (từ 991 đồng/lít lên mức 1.437 đồng/lít), phần dư địa còn lại điều chỉnh tăng giá bán xăng tương ứng. Trường hợp không sử dụng Quỹ BOG, giá xăng có thể phải tăng đến hơn 3.000 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu hỏa, khi có dư địa giá cơ sở kỳ công bố thấp hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề, Liên Bộ đã yêu cầu giảm giá bán tương ứng (giảm khoảng 258-260 đồng/lít).
Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu này không do tác động từ việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/5/2015 vừa qua. Trên cơ sở tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế BVMT trong cơ cấu giá cơ sở trong lần điều hành ngày 14/4/2015, Bộ Tài chính đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ 10% đến 15% tùy mặt hàng. Ví dụ: với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu đã giảm từ 35% xuống còn 20% (giảm 15% tương ứng trong cơ cấu giá cơ sở tại thời điểm tính toán là 2.000 đồng/lít – bằng mức tăng thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng này từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít).
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính khẳng định phương án điều hành giá xăng dầu như trên thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và biến động tăng giá xăng dầu thế giới.
Bên cạnh đó, việc điều hành giá xăng dầu như trên còn góp phần giảm bớt tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu nước ta thấp hơn giá xăng dầu các nước có chung đường biên giới.
Trước đó, vào hôm qua (5/5), liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có công văn về việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước, áp dụng từ 21h cùng ngày. Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92 tăng giá thêm 1.950 đồng/lít, xăng E5 tăng 1.950đ/lít.
Cụ thể, xăng RON 92 cao hơn giá bán 3.387 đồng/lít, xăng E5 cao hơn 3.222 đồng/lít, diesel cao hơn 322 đồng/lít, dầu mazut cao hơn 303 đồng/kg, riêng dầu hỏa thấp hơn 258 đồng/lít.
Chính vì thế, liên bộ Công thương – Tài chính quyết định tăng giá 1.950 đồng/lít đối với xăng khoáng, đưa mức giá bán hiện hành lên 19.230 đồng/lít, đồng thời xả quỹ bình ổn tiếp 1.437 đồng/lít để bù chênh lệch. Xăng E5 cũng tăng giá ở mức tương tự và xả quỹ bình ổn ở 1.272 đồng/lít.
Mặt hàng dầu diesel được giữ nguyên giá bán, đồng thời chi quỹ bình ổn 322 đồng/lít để cân bằng. Dầu hỏa giảm 258 đồng/lít. Dầu mazut cũng được giữ nguyên giá bán và xả quỹ bình ổn 303 đồng.
Hòa Hậu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo