Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng dùng quỹ đất thanh toán cho dự án BT
Theo Bộ Tài Chính, tại Khoản 3, Điểm d Khoản 4 Điều 13 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ: Quy định chi tiết về việc sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT).
Thực hiện quy định của Luật, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (Tờ trình Chính phủ số 145/TTr-CP ngày 6/10/2017). Đến nay, Nghị định chưa được ban hành.
Để xử lý các vấn đề chuyển tiếp trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ký ban hành (trong đó có Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT), Bộ Tài chính đã có Công văn số 638/BTC-QLCS ngày 16/01/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Công văn số 1248/VPCP-KTTH ngày 02/02/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS ngày 28/3/2018 hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công như sau: “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”.
Bộ Tài chính đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Vừa qua, UBND TP. Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư gây nhiều xôn xao trong dư luận. Cụ thể gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 – Gamuda Gardens; Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông; Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5; Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng; Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3) theo hình thức hợp đồng BT; thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, việc thực hiện các dự án theo hình thức BT, BOT trên địa bàn Hà Nội cũng đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, đối với UBND TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT lĩnh vực giao thông và môi trường, giai đoạn 2008 -2012 gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư (không đủ số lượng nhà đầu tư tham gia để lựa chọn) để thực hiện chủ trương đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Trên thực tế, đến thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là hình thức chỉ định thầu.
UBND TP Hà Nội cũng không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; thậm chí là đã ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông