Thị trường

Bộ Tài chính giảm bội chi, quản lý chặt nợ công

(DNVN) - Đây là một trong những giải pháp thời gian tới nhằm giảm bội chi NSNN của Bộ Tài chính trong báo cáo trình Quốc hội tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ bám sát mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, phù hợp với khả năng huy động và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nợ công, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và do địa phương vay. Đầu tư cơ sở hạ tầng làm tăng áp lực bội chi ngân sách. 

Thời gian tới, áp lực phải tăng chi rất lớn  bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, chi trả các khoản nợ đến hạn, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành, đảm bảo các nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và ưu tiên dành nguồn để cải cách tiền lương... trong khi thu NSNN khó có khả năng tăng mạnh để đủ đáp ứng nhu cầu tăng chi.

Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chi NSNN

Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chi NSNN

 

Những năm qua Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép duy trì mức bội chi NSNN ở mức phù hợp với tình hình. Cụ thể, năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,4% GDP, năm 2013 là 5,5% GDP, năm 2014 là 5,3% GDP, năm 2015 là 5% GDP.

Định hướng điều hành chính sách tài khóa giai đoạn 2016-2020 sẽ bám sát mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, phù hợp với khả năng huy động và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 bình quân 7-7,5%/năm. Trên cơ sở tình hình có những thay đổi, Quốc hội đã điều chỉnh mục tiêu này là 6,5-7%, giảm so mục tiêu Đại hội Đảng.

Tuy nhiên, do những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng như tác động suy giảm của kinh tế thế giới, giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng kinh tế bình quân chỉ đạt khoảng 5,82%/năm và thấp hơn so với giai đoạn trước, ảnh hưởng đến thu NSNN.

 

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Đồng thời, tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn; quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên.

Đồng thời, tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.

Ngọc Huệ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo