Phân tích

Bộ Tài chính 'thanh minh' về việc phí đường bộ quá cao

(DNVN) - Bộ Tài chính vừa lên tiếng giải thích trước một số ý kiến cho rằng phí đường bộ đối với dự án BOT đưa ra quá cao.

Theo Bộ Tài chính, việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho việc phát triển kinh tế xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bộ Tài chính giải thích rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO). Nghị định số 24/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và gần đây nhất năm 2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (thay thế 02 Nghị định trên). Theo đó, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng đề xuất các dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; ký kết hợp đồng dự án; quản lý, triển khai xây dựng dự án và khai thác kinh doanh. 

Như vậy, các dự án BOT giao thông trên các tuyến quốc lộ, từ việc xây dựng đề xuất các dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; ký kết hợp đồng dự án; quản lý, triển khai xây dựng dự án và khai thác kinh doanh; xây dựng phương án tài chính của dự án, bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án được Bộ Giao thông vận tải quyết định. 

Bộ Tài chính giải thích tiếp, sau khi nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án hoàn thành, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị với Bộ Giao thông vận tải xem xét. Sau khi xem xét, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án (trong đó, đề xuất cụ thể: mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí,...). 

Thực hiện quy định pháp luật phí và lệ phí; trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và Hợp đồng BOT Bộ Giao thông vận tải đã ký với Nhà đầu tư (mức thu phí hoàn vốn và thời gian thu phí hoàn vốn); Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Giao thông vận tải để ban hành Thông tư quy định mức thu phí từng dự án; việc xây dựng và ban hành Thông tư được thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt khác, về mức thu từng dự án phù hợp với quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ. Trong đó, quy định khung mức thu phí và lộ trình điều chỉnh mức thu phí (năm 2014 mức thu tối đa không quá 2,5 lần mức tối thiểu Khung; năm 2015 tối đa không quá 3 lần mức tối thiểu Khung; năm 2016 áp dụng mức tối đa khung).

 

Theo Bộ Tài chính, Thông tư số 159/2013/TT-BTC được ban hành căn cứ vào Luật giao thông đường bộ; Pháp luật phí, lệ phí; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh tăng mức thu phí đường bộ theo lộ trình đến năm 2016 đạt mức 3,5 lần so với mức phí cơ bản tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo