Thị trường

Bộ Tài chính tính hết được chiêu "ma" của doanh nghiệp sữa?

Cùng với quyết định sẽ áp giá trần sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, đã tính toán hết các phương án để “chặn đường” doanh nghiệp sữa “lách” luật.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, giá sữa sẽ giảm và chiêu

Chiều 27/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thông tin về biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Từ 21/6 giá bán lẻ sữa mới giảm

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết, mức giá trần bán buôn sẽ chính thức áp dụng từ ngày 11/6, còn giá trần bán lẻ áp dụng từ 21/6. Ngoài danh mục 25 sản phẩm này, Bộ Tài chính sẽ xem xét áp giá trần đối với các sản phẩm sữa khác.

Sau quyết định “siết” mặt hàng sữa, Bộ Tài chính cũng đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện áp giá trần đối với 25 sản phẩm sữa trong danh mục. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã tính toán cơ sở để áp giá trần với các dòng sản phẩm mới của các đối tượng này. Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa cho trẻ em sẽ tính toán đưa ra phương án giá bán buôn, bán lẻ ra thị trường.  

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế (Bộ Tài chính), hiện có 3 nhóm đối tượng kinh doanh sữa là các doanh nghiệp sản xuất sữa, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sữa, doanh nghiệp kinh doanh và bao tiêu sản phẩm – tổ chức sản xuất, nhập khẩu phải áp giá trần bán buôn tối đa.

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa phải xây dựng giá bán buôn tối đa. Doanh nghiệp có mạng lưới phân phối phải làm giá bán lẻ tối đa. Còn tổ chức mua đứt bán đoạn vừa phải áp giá trần bán buôn, bán lẻ.

Riêng đối với nhóm DN không thuộc danh mục 25 dòng sữa sẽ bị áp giá trần tối đa, thì doanh nghiệp sẽ chọn mặt hàng tương đương trọng lượng để xác định giá tối đa.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng được tính bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng với chi phí hợp lý khác, nhưng không vượt quá 15% giá bán buôn tối đa. Trong đó, tỷ lệ 15% là dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất. "Tỷ lệ 15% là mức phù hợp với cả thị trường miền núi và đô thị, đảm bảo đủ nguồn hàng cho tất cả các vùng, miền. Không vì việc áp trần này mà mặt hàng sữa trên vùng núi, vùng sâu - xa không được lưu thông"- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chặn chiêu "ma" của doanh nghiệp sữa

Về những chiêu trò “lách” giá trần để tăng giá bán, như thay đổi bao bì sản phẩm, "rút ruột" trọng lượng sữa từ 900 gr xuống còn 850gr... ông Nghĩa thừa nhận, là có nhưng không thể nào phát hiện hết, trừ khi có hệ thống kênh truyền thông theo dõi, phản ánh kịp thời.

Một tháng nữa giá sữa bán lẻ tới tay người tiêu dùng mới giảm

“Bộ Tài chính đã tính hết tất cả tính huống trên và đã có quy định cụ thể phương pháp, cơ sở tính giá trần theo chi phí sản xuất” – Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.

Cụ thể, những tính toán của cơ quan quản lý để “chặn” chiêu lách giá của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn gửi tới lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp “quyết” đưa mặt hàng sữa dành cho trẻ em trở về đúng giá thật.

Ông Nghĩa cũng kỳ vọng, với những quy định chặt chẽ mà Bộ Tài chính đã tính toán chặt chẽ thì 12 tháng tới đây mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được bình ổn. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường cơ quan quản lý sẽ tính các bước đi tiếp theo cho thị trường.

“Đây là việc làm nhân văn và bắt buộc phải làm vì thế hệ tương lai của đất nước. Chúng tôi cũng đã làm việc với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh sữa và đều nhận được sự cam kết, đồng thuận cao. Doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ này cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng”- ông Nghĩa quả quyết.

Trả lời về việc nhiều đại lý đã nhập sản phẩm sữa của doanh nghiệp với giá cao, nhưng theo quy định giá trần, họ phải bán giá thấp hơn đồng nghĩa sẽ chịu lỗ, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý giá cũng đã lường hết tình huống này.

"Thời gian áp trần giá sữa bán lẻ áp dụng từ ngày 21/6 tới, nghĩa là còn gần 1 tháng nữa - thời gian đủ để các đại lý chuẩn bị, cân đối để đưa ra phương án kinh doanh hợp lý"- ông Tuấn nhấn mạnh.

Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, "đây là món quà đáng nói nhất dành cho trẻ nhỏ nhân ngày 1/6 tới”. Tuy thế, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khuyên, người tiêu dùng nên lựa chọn cửa hàng, đại lý sữa uy tín để "chọn mặt gửi vàng" mua sữa cho con, cháu mình.

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo