Bỏ trăm tỷ xây KCN ô tô có nên
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa phê duyệt quyết định thành lập Khu công nghiệp (KCN) cơ khí ô tô, với tổng diện tích gần 100 ha tại huyện Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng.
Không nằm ngoài chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô và chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng trước tiên cần phải có nền cơ khí phụ trợ “đủ khỏe” đi sau chiến lược đầu tư tập trung, hiệu quả, tránh dàn trải...
Thực tế hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh có 18 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.625 ha. Trong đó, diện tích có thể cho thuê chiếm khoảng 62% tổng diện tích đất, đạt hơn 2.260 ha... Song điều đáng nói ở đây, nhiều KCN tại Củ Chi mới chỉ được lấp chưa đầy 50%, còn lại vẫn đang phải “dài cổ” chờ khách thuê. Nên việc ra đời thêm một KCN nữa ngay tại khu vực này liệu có đem lại hiệu quả thiết thực cho cả chủ đầu tư cũng như mục tiêu ban đầu đề ra?
Trong khi đó, ông Trương Đình Anh Vũ, Phó giám đốc CTCP Hòa Phú - DN quản lý KCN cơ khí ô tô TP. Hồ Chí Minh - thừa nhận, việc đầu tư và thu hút các DN vào phát triển sản phẩm cơ khí phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn này rất khó khăn. Với nhiệm vụ đặt ra, công ty đang nỗ lực triển khai xây dựng hạ tầng và lên kế hoạch mời gọi các DN cùng tham gia.
Nhưng được biết, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài cổ đông của Hòa Phú là Samco mới đăng ký thuê khoảng 4 ha để làm nhà xưởng, do công ty này đang có kế hoạch sản xuất, lắp ráp sản phẩm xe buýt chuyên dùng, còn lại nhiều diện tích khác vẫn trống và đang trong giai đoạn tìm kiếm khách thuê.
“Để có thể hoàn thành kế hoạch cho thuê khoảng 40% trong 3 năm đầu và tiến tới phủ kín trong vòng 6 năm nữa, nhiệm vụ của Hòa Phú lúc này là phải nhanh chóng tìm kiếm, mời gọi được các DN trong nước vào tham gia sản xuất, lắp ráp, còn đối với các công ty liên doanh nước ngoài sẽ hướng đến mục tiêu chuyển giao công nghệ.
Dù trong bối cảnh chỉ một vài năm tới theo cam kết WTO, xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chỉ còn thuế suất bằng 0%, áp lực rất lớn, nhưng công ty vẫn sẽ quyết tâm thực hiện”, ông Vũ nói.
Cho đến nay, dường như chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đang vấp phải quá nhiều khó khăn bởi không xuất phát trên những nền tảng sẵn có. Với nhiều ưu đãi, hàng loạt hãng ô tô đã được cấp phép thành lập liên doanh tại Việt Nam nhưng cam kết chuyển giao công nghệ đã không được thực hiện.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất, công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), sở dĩ ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đến nay vẫn yếu kém chính bởi chính sách phát triển ngành công nghiệp mà Chính phủ đưa ra chưa hoàn thiện.
Đại diện Hepza cho rằng, muốn tăng cường liên kết giữa DN nước ngoài và DN hỗ trợ trong nước cần tạo ra hành lang cho sự hợp tác, giao thương, chuyển giao công nghệ giữa các bên một cách chặt chẽ, bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Đồng thời, hình thành cơ quan đầu mối phụ trách công nghiệp hỗ trợ đặc thù theo ngành dọc để thống nhất quản lý ở cấp vĩ mô trong quản lý, điều hành...
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Cột tin quảng cáo