Thị trường

Bỏ trần lãi suất ?

Nhiều chuyên gia kinh tế ngân hàng đều có chung quan điểm là đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ quy định về trần lãi suất huy động, trả hệ thống ngân hàng trở về cơ chế thị trường.

Đủ điều kiện

 

Sau những động thái hạ lãi suất liên tục của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng đã có những tín hiệu nhúc nhích. Tuy nhiên, tính chung năm tháng đầu năm nay thì tăng trưởng tín dụng vẫn còn âm khoảng 0,89%.

 

Trong khi đó, thanh khoản của các ngân hàng đã khá dồi dào. Bản thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thị trường một lượng tiền lớn, gồm 180.000 tỉ đồng mua ngoại tệ; bơm 60.000 tỉ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn… Chính vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định thanh khoản của hệ thống NH đã được cải thiện đáng kể. Với những yếu tố kể trên, theo TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh), Ngân hàng Nhà nước nên xem xét bỏ quy định áp trần lãi suất.

 

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện trong khi đầu ra không nhiều thì việc huy động vốn của nhiều ngân hàng không còn quá cấp thiết. Điều này cũng được thể hiện khi lãi suất liên ngân hàng những tuần qua liên tục xuống thấp. “Quy định áp trần lãi suất chỉ nên áp dụng ngắn hạn vì chính sách đó ép người gửi tiền trong khi bảo vệ lợi ích cho hệ thống ngân hàng. Hoạt động của ngân hàng phải được đưa trở về theo quy luật của thị trường và Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết bằng các công cụ khác như trước đây”, TS Thuận nói.



Quy định áp trần lãi suất chỉ nên áp dụng ngắn hạn vì chính sách đó ép người gửi tiền trong khi bảo vệ lợi ích cho hệ thống ngân hàng. Hoạt động của ngân hàng phải được đưa trở về theo quy luật của thị trường

TS Nguyễn Văn Thuận

 

 

   

Trong khi đó, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh), cũng cho rằng với động thái không quy định áp trần lãi suất cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có lẽ cũng đang dần dần tiến tới gỡ bỏ mức trần lãi suất cho các kỳ hạn khác.

 

Nếu Ngân hàng Nhà nước hoàn tất được quá trình tái cơ cấu và xử lý được những ngân hàng yếu kém trong tháng 6 như đã khẳng định trước Quốc hội thì sau đó, việc gỡ bỏ trần lãi suất là hoàn toàn có thể thực hiện được mà không sợ một cuộc đua lãi suất mới sẽ bắt đầu.

 

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành cũng cho rằng với động thái chỉ còn áp dụng trần LS huy động vốn ngắn hạn thì NHNN đang tiến dần tới việc bỏ hẳn quy định áp trần LS đầu vào. Tuy nhiên NHNN chỉ có thể bỏ hoàn toàn quy định trần LS khi nào hệ thống NH có tính thanh khoản hoàn toàn tốt hơn và hoàn thiện tiếp thị trường liên NH.

 

“Có thể những vấn đề trên sẽ được giải quyết vào cuối quý 3 và khi đó cộng với tình hình kinh tế vĩ mô dần dần ổn định thì không lý gì Ngân hàng Nhà nước vẫn còn tiếp tục giữ quy định trần lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra. Tuy nhiên riêng trần lãi suất huy động bằng tiền USD thì sẽ gỡ bỏ chậm hơn vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác”, TS Thành nói.

 

"Khoanh vùng" ngân hàng yếu kém

 

Theo một chuyên gia ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh, áp trần lãi suất đầu vào hiện nay đã không còn tác dụng nhiều. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để đầu ra thấp và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này. Bởi hiện nay thậm chí nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu đãi cũng rất hiếm vay được lãi suất thấp theo quy định là 12%/năm.


 


Ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) theo đề nghị của SHB.

 

Vị chuyên gia này cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể đẩy mạnh việc cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp thông qua các ngân hàng quốc doanh. Những đầu tàu này có thể khơi thông được nguồn vốn đưa vào nền kinh tế và khi đó cũng phần nào sẽ tác động đến các ngân hàng thương mại khác tham gia.

 

TS Lê Thẩm Dương cũng cho rằng một số ngân hàng vẫn chưa thật sự thoát khỏi sự yếu kém về thanh khoản. Thế nhưng Ngân hàng Nhà nước có thể khoanh vùng và nếu cần thiết áp dụng biện pháp hành chính riêng cho nhóm ngân hàng yếu kém này. Bên cạnh đó NHNN còn có thể điều tiết gián tiếp thông qua các công cụ như lãi suất cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất tái cấp vốn.

 

TS Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng có thể sẽ có một vài xáo trộn sau khi bỏ quy định áp trần lãi suất. Bởi một số ngân hàng nhỏ vẫn có thể đẩy lãi suất tăng lên hơn mức 9%/năm để hút vốn. Tuy nhiên theo ông, diễn biến đó chỉ là tác động về mặt tâm lý nên chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Điều quan trọng là bản thân các ngân hàng lớn phải định vị lại hướng kinh doanh của mình và không thể cứ chạy theo đuôi với các ngân hàng nhỏ.

 

TS Thuận trao đổi: Nếu ngân hàng lớn tự tin vào mình thì cũng sẽ không sợ khách hàng bỏ đi. Người dân hiện nay đều biết ngân hàng nhỏ huy động vốn với lái xuất càng cao thì rủi ro càng lớn. Đó là chưa nói đến việc NHNN cần phải kiểm soát chặt hơn nữa hoạt động của các NH yếu kém để không có tác động rủi ro cho toàn hệ thống.

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo