Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Khó xử lý doanh nghiệp FDI bỏ trốn
Có doanh nghiệp FDI bỏ trốn, nhưng không nhiều
Về tình trạng doanh nghiệp FDI có vay vốn của ngân hàng trong nước nhưng đã không hoạt động, bỏ trốn khỏi địa bàn đang đầu tư, đang khiến dư luận rất quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định có tình trạng này, tuy không nhiều, không phổ biến.
Bộ trưởng Vinh cho biết, có thực trạng này do doanh nghiệp làm ăn thất bát. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, không dễ xử lý. Bởi vì, theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu khoản nợ đó nằm trong phạm vi hành chính kinh tế thì tòa án giải quyết nhưng địa phương phải yêu cầu hoặc ngân hàng cho doanh nghiệp đó vay vốn phải đề nghị xử lý.
Thực tế, theo Bộ trưởng Vinh, các vi phạm này phải dựa vào tài sản thế chấp khi vay vốn của họ để xử lý, nhưng nếu không thể xử lý được thì cần phải xem xét các quy định quốc tế để xử lý.
Tuy nhiên, các vụ việc hiện tại đang vướng ở chỗ là khi doanh nghiệp trốn khỏi địa bàn cũng không phát hiện được, thậm chí có nhiều doanh nghiệp cũng không rõ địa chỉ của chủ doanh nghiệp ở nước ngoài, không thể xử lý được, nên phải treo nợ.
“Bộ Kế hoạch Đầu tư đang nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xử lý tình trạng này, đồng thời phối hợp với nước sở tại của chủ doanh nghiệp đó để có thể hợp tác tìm cách xử lý”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Khung pháp lý liên quan đến FDI còn thiếu, chồng chéo
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề về quản lý vốn FDI, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Hiện nay, khung pháp lý về quản lý vốn FDI chưa hoàn thiện. Các nội dung hiện hành do rất nhiều bộ ngành thảo ra. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp thì nảy sinh vấn đề xử lý tại Việt Nam hay nước ngoài.
Bộ trưởng dẫn chứng, trước đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm khá tốt việc xử lý các vấn đề này tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đang có xu hướng doanh nghiệp muốn đưa ra nước ngoài xử lý. Nhưng “Việt Nam đang rất kém trong luật kinh tế liên quan đến nước ngoài”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Vinh, các vấn đề hành chính liên quan đến FDI, pháp chế liên quan FDI chưa được quan tâm mạnh. Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ liên quan mảng kinh tế, còn các mảng khác liên quan đến nhiều bộ, ngành khác. Thậm chí có thể nói, doanh nghiệp FDI có liên quan đến mọi vấn đề trong cuộc sống, như tài chính, thuế, hành chính, lao động việc làm, đào tạo, công nghệ... nên cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong giải quyết vấn đề liên quan đến doanh nghiệp FDI.
“Qua nhiều thảo luận với các tổ chức quốc tế và Việt Nam, chúng ta có thể rút ra rằng, Việt Nam yếu về thể chế, khung pháp lý liên quan đến FDI còn thiếu, chồng chéo… Chính vì thế, khi vụ việc nảy sinh, xử lý khó khăn”- Bộ trưởng Vinh cho biết thêm.
Bộ trưởng cho rằng, cần phải hoàn thiện khung pháp lý, dù không thể làm tất cả ngay cùng lúc, nhưng phải xem xét việc gì cần làm trước thì làm ngay.
Thảo Nguyên (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới