Bộ trưởng Cao Đức Phát "mách nước" cho ngành nông nghiệp bước vào TPP
Nhận định trên được người đứng đầu ngành Nông nghiệp đưa ra tại Hội nghị toàn thể IGS 2015 “Việt Nam gia nhập TPP: triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp” diễn ra ngày 6/11 vừa qua.
Theo đó, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cho Việt Nam rất nhiều cơ hội. Theo đó, TPP sẽ tạo ra cho chúng ta một thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của Việt Nam có mức thuế bằng 0%.
Bên cạnh đó, TPP cũng sẽ tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Một cơ hội khác lớn hơn là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao quy mô phát triển sản xuất, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Song song đó, ngành nông nghiệp có cơ hội tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể. Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, trong số 10 một đối tác trong TPP thì Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru là những nước lần đầu tiên Việt Nam đạt được thỏa thuận về thương mại tự do và có những bước cắt giảm thuế lớn.
Nhật Bản là đối tác Việt Nam đã từng có 2 thỏa thuận Đối tác kinh tế và cũng đạt được thỏa thuận thương mại tự do đối với nhiều dòng hàng hóa mà Việt Nam có lợi ích xuất khẩu, cải thiện lớn so với 2 Hiệp định Đối tác kinh tế trước đây. Trong khi đó, các thành viên như Australia, New Zealand và Malaysia, Singapore, Brunei là những đối tác Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand và Hiệp định ATIGA.
"Với Hoa Kỳ và Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận tiếp cận thị trường đáng kể với khoảng 98% và 99% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản; 92,68% và 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản; 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam", Bộ trưởng cho hay.
Theo đánh giá của người đứng đầu Bộ NN&PTNT, khi tham gia Hiệp định TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải chịu sức ép cạnh tranh lớn với hàng nhập khẩu. Tuy cắt giảm thuế nhưng nhiều nước vẫn còn hàng rào phi thuế cao. Các quy định khác của Hiệp định TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y), lao động, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường … cũng rất chặt chẽ.Đặc biệt, đối với những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau.
Trên cơ sở đó, để tận dụng triệt để cơ hội mà Hiệp định TPP mang lại, giảm thiểu tác động của các thách thức đã và đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Bộ trưởng ngành nông nghiệp cho rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam, đồng thời tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động; phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh quá tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, khẩn trương hoàn thiện môi trường chính sách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật và các quy định khác, nâng cao năng lực phân tích và dự báo thị trường.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nâng cao khả năng vận dụng cam kết và các biện pháp được áp dụng trong các FTAs; tăng cường năng lực cho Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo