Bộ trưởng giảng văn hóa, hàng loạt sai sót xảy ra
Trong khi những vấn đề đạo đức, văn hóa được Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn trình bày trong Quốc hội chưa hết nóng trên bàn nghị sự thì dư luận lại chứng kiến hàng loạt những vụ việc như Hoa hậu cầm cờ ngược, sai tên nước, sinh viên xếp hình chữ Sex ngay tại di tích lịch sử, gây xôn xao dư luận.
Ngày 20/11, Trả lời vấn đề tại sao gần đây đạo đức xã hội lại xuống cấp trầm trọng như vậy của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, đã nói rất sâu xa về những tồn tại hiện nay của ngành văn hóa, du lịch.
Nhưng, trong khi Bộ trưởng đang giảng giải về văn hóa trên nghị trường thì Hoa hậu đại diện cho cả đất nước tham dự đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới 2013 tại Trung Quốc vào tối ngày 23/11, lại cầm cờ ngược và đeo dải băng in sai tên nước khiến cho nhiều người bức xúc.
Hoa hậu Trần Thị Quỳnh đeo dải băng "Mrs. VietNem" chứ không phải là "Mrs. VietNam". Cùng với đó, người đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi còn cầm cờ Tổ quốc ngược đi lại trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả trên thế giới.
Thậm chí ngay cả sau khi đêm thi kết thúc, Trần Thị Quỳnh và bà Kim Hồng đều chụp ảnh chung mà không nói rằng sẽ phải nhắc nhở và rút kinh nghiệm nghiêm khắc trước vụ việc này. Trong khi đó, ở nước nhà Cục NTBD là nơi cấp giấy phép cho Hoa hậu này đi thi cũng không biết thông tin, thậm chí Bộ VHTTDL nước nhà cũng không ai hay, cho đến khi BTC cuộc thi gửi thư xin lỗi tất cả mới biết, khi việc đã sai rồi.
Nói về sự việc này, TS Phan Đình Tân - phát ngôn Bộ VHTTDL, chỉ đạo: "Ý thức văn hóa như thế là quá kém, cần phải được nâng lên, phải thấy xấu hổ với bản thân. Lòng tự tôn, tự hào dân tộc dường như đang ở đâu đó chứ không theo sát bên cạnh thí sinh. Các đơn vị đưa người tham gia thi hoa hậu, người đẹp quốc tế phải chú ý đến việc giữ gìn hình ảnh quốc gia chứ không thể để như thế”.
Chỉ một chuyện thì đã đành, đây lại dồn dập biết bao nhiêu chuyện, ngày 20/11, nhân dịp chụp ảnh kỷ yếu, lưu giữ những kỉ niệm thời sinh viên, một lớp trong Học viện Ngân Hàng, đã xếp hình chữ Sex, ngay trước cổng di tích lịch sử Hoàng Thành, đằng sau còn nhìn rõ cột cờ Hà Nội.
Sau khi hình ảnh được lan truyền khắp các trang mạng thì làn sóng phản đối sự việc này đã hình thành. Bạn có tên Xuân Anh chia sẻ: "Nếu ở nơi khác thì cũng chẳng sao nhưng đây là 1 di tích lịch sử thì thật là đáng trách. Các bạn được ăn học mà làm như vậy thì nên trả lại chữ cho thầy".
Lên tiếng trách móc, bạn Trần An nói: "Rất có thể là nếu biết lỗi đã là người có văn hóa, mà có văn hóa đã không làm thế. Và tình cảnh của đất nước này, nền giáo dục ấy thì biết ngay sản phẩm đào tạo của họ là gì. Những con người trâng tráo này lý giải sao khắp nơi mại dâm là các sinh viên. Cải cách giáo dục nói mãi cứ xa xôi, nhãn tiền thấy các rường cột quốc gia ứng xử mà khiếp".
Thế nhưng, theo quan điểm của một số bạn đọc thì viêc đưa ra những đánh giá, quy kết cụ thể là hơi quá, thậm chí các nhà quản lý không ai có quyền chỉ trích. Bởi vì sao? Thiết nghĩ, trong khi, lên án chỉ trích từng cá nhân, nhưng trước đó, đầu tháng 3/2013 thông tin gian hàng Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế (ITB) tại Berlin (Đức) đặt ảnh giới thiệu địa danh nổi tiếng của Trung Quốc là Lạc Sơn Đại Phật đã khiến dư luận phẫn nộ. Ngay sau đó, Tổng cục du lịch phải xin lỗi vì lí do sơ suất.
Đâu chỉ dừng lại ở đó, cho đến việc bình chọn cho Vịnh Hạ Long thành di sản thiên nhiên thế giới, cả ngành du lịch kêu gọi nhân dân cả nước nhắn tin bình chọn, có ai biết rằng đó chỉ là một trang web tư nhân, không có tên tuổi trên thế giới. Điều quan trọng đáng nói hơn là nhà quản lý làm sai thì nhận trách nhiệm tập thể, cá nhân làm sai thì lên tiếng bình phẩm, khiển trách.
Có lẽ cũng bởi như vậy mà nói về những sai sót thời gian qua, Bộ trưởng lý giải đây như là việc tất yếu xảy ra: "Ngoài nguyên nhân chủ quan, đầu tiên là do nhận thức của chính chúng ta. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nói vậy đây là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Nguyên nhân thứ hai, trong hệ thống chính sách của chúng ta, pháp luật liên quan đến chúng ta nói chung và trong văn hóa có thể nói trong những năm qua Quốc hội quan tâm, Chính phủ chỉ đạo trực tiếp chúng tôi đã trình hàng loạt luật như Luật điện ảnh, Luật di sản, Luật bản quyền tác giả, Luật thể thao, Luật du lịch. "
Lần này, sau khi trình bày những thiếu sót, một lần nữa Bộ trưởng lại lên tiếng xin nhận trách nhiệm và đưa ra những giải pháp và những lời hứa hẹn đầy hi vọng: "15 năm qua chúng ta làm được nhiều việc nhưng còn đó những việc bức xúc, một bộ phận đạo đức bị tha hóa, xuống cấp, chúng ta không thể nói cả xã hội xuống cấp về mặt đạo đức lối sống, không phải, mà là một bộ phận".
Không những vậy, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh, chúng ta nói ít mà làm nhiều có sức thuyết phục hơn và trong những vụ việc chúng ta phân tích rõ nguyên nhân cụ thể và các cấp, các ngành đều phải thực hiện. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò lãnh đạo quản lý với việc xây dựng đạo đức, lối sống, có thể nói đạo đức, lối sống là một phạm trù thuộc văn hóa.
Những ý kiến của Bộ trưởng đưa ra được các đại biểu Quốc hội đánh giá giống như bài giảng vỡ lòng về văn hóa.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo