Xã hội

Bộ trưởng Giáo dục xin lỗi ai?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, chúng ta phải có lời xin lỗi đối với các giáo viên ở lại miền núi khi các thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cuộc đời công tác ở những nơi xa xôi. Trong khi đó, lời xin lỗi về thực trạng bệnh thành tích, giả dối tràn lan, giáo dục bị đánh giá là rời rạc hoặc khi tín nhiệm thấp... vẫn còn bỏ ngỏ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo quy định trước đây, giáo viên miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học được hưởng phụ cấp thu hút trong 5 năm, sau thời gian này các thầy cô sẽ được trở về miền xuôi nhưng sau 5 năm, nhiều thầy cô ở lại miền núi công tác với nhiều lý do khác nhau như không tìm được chỗ làm việc dưới xuôi; có thầy cô đã lập gia đình, tạo dựng cuộc sống mới và gắn bó với các cháu và đồng bào nên không trở về xuôi...

Và dù với lý do gì, phải ở lại hay tự nguyện, thì những thầy cô này bị cắt phụ cấp thu hút sau 5 năm được hưởng. Điều này dẫn đến nghịch lý là người có thâm niên dạy học ở miền núi lại có thu nhập thấp hơn những giáo viên trẻ mới lên vùng núi nhận công tác.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
 
"Trong quá trình xây dựng Nghị định mới này, Bộ GD-ĐT đã phải giải trình rất nhiều. Tôi đã từng nói: Chúng ta phải có lời xin lỗi đối với các giáo viên ở lại miền núi, khi các thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời công tác của mình cho sự nghiệp giáo dục ở những nơi xa xôi này, trong khi chúng ta không thể bố trí ''trả'' cho các thầy cô một chỗ dạy ở quê hương dưới xuôi. Với các thầy cô, chúng ta đã không thể tăng thêm thu nhập thì thôi, không nên cắt giảm.
 
Với Nghị định 19 được ban hành, các đồng nghiệp của chúng tôi là người miền xuôi làm việc ở vùng cao có thêm nguồn thu nhập, nhưng quan trọng hơn là họ nhận được sự ghi nhận và tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, và chắc chắn họ sẽ có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", Bộ trưởng nói.
 
Tuy nhiên lời xin lỗi về thực trạng bệnh thành tích, giả dối tràn lan, giáo dục bị đánh giá là rời rạc hoặc khi tín nhiệm thấp... vẫn còn bỏ ngỏ.
 
Cụ thể, Bộ trưởng đã từng thừa nhận giáo dục hiện đang yếu kém và ví von một trong những yếu kém của giáo dục nước nhà với "nhà cao tầng”.
 
Theo Bộ trưởng Luận, hệ thống giáo dục hiện nay được ví như một nhà cao tầng, từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ. Đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại, muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải vòng xuống tầng 1 để lên.
 
Ông cũng nói thêm, qua tổng kết đánh giá thực trạng về giáo dục Việt Nam hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quá trình phát triển khoa học giáo dục và tổ chức dạy - học ở trường phổ thông, ngành giáo dục nhận thấy cách thiết kế chương trình và cách dạy, cách học hiện nay giống như của các nước khác cách đây 30 - 40 năm trở về trước.
 
Cũng chính vị Bộ trưởng này đã phát ngôn về chất lượng giáo dục khiến dư luận dậy sóng và từng đặt câu hỏi: Liệu Bộ trưởng có đặt mình ở vị trí tư lệnh ngành và sẽ làm gì với những yếu kém hiện có?!
 
Khi đó là vào dịp UB Thường vụ Quốc hội họp thường kỳ và bàn về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau khi nghe những nhận xét đánh giá về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với hàng loạt cụm từ chỉ sự hạn chế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận: "Trên tổng thể, giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu".
 
Trước thừa nhận này, nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm bộ trưởng ở đâu khi dễ dàng thừa nhận chất lượng giáo dục không đạt mức tối thiểu khi quyền sinh, quyền sát đang trong tay mình. Dường như vị tư lệnh ngành đang đặt mình là người ngoài cuộc.
 
Hồi tháng 6/2013, trong kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê duyệt, Bộ trưởng Phạm Vụ Luận là một trong số những người phải nhận nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" nhất với 177 phiếu, 86 phiếu tín nhiệm cao và 229 phiếu tín nhiệm nhưng Bộ trưởng đã từ chối trả lời phỏng vấn nhà báo và nói: "Tôi đang rất buồn".
 
Trong một diễn biến khác, chia sẻ mới đây với báo chí sau 3 năm làm tư lệnh ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cảm thấy "bình thường".
 
"Sau khi đảm nhận trọng trách quan trọng 3 năm qua, tôi cảm thấy cũng bình thường. Cũng có cái khó khăn và thuận lợi, có sức ép, thách thức và cũng có nhiều điều động viên khuyến khích", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo