Bộ trưởng KH-ĐT: Tái cơ cấu kinh tế sẽ khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ
Chiều nay, trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Tái cơ cấu với ba trọng tâm
Bộ trưởng đã báo cáo tóm tắt nội dung chủ yếu của Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh. Với điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, trong năm năm tới sẽ ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, loại bỏ nguy cơ mất an toàn với hệ thống tài chính và nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện để hệ thống tài chính phát triển bền vững và thực hiện tốt hơn chức năng trung gian tài chính.
Tái cơ cấu đầu tư sẽ tập trung vào đổi mới căn bản cơ chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội. Huy động hợp lý tổng đầu tư xã hội, cân đối giữa tiết kiệm và tiêu dùng, tiết kiệm nội địa và đầu tư, ngân sách, cán cân thanh toán,, nợ công và nợ nước ngoài. Xác định cụ thể lĩnh vực ưu tiên đầu tư của nhà nước; mở rộng phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước.
Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập trung vào ba nội dung. Thứ nhất là sắp xếp, phân loại để tập trung vào ngành nghề chính,, cổ phần hóa và thoái vốn ở các Doanh nghiệp Nhà nước không cần sở hữu 100% hay nắm cổ phần chi phối. Hai là, áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ba là, yêu cầu các Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.
Đề án cũng nêu ra 12 nhóm giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế.
Hàng chục nghìn doanh nghiệp có thể thua lỗ
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức đối với tái cơ cấu kinh tế.
Trước hết, tốc độ tăng trưởng có thể bị hy sinh để đổi lấy chất lượng tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vài năm tới có thể thấp hơn so với trước đây. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương.
Tái cơ cấu kinh tế cũng có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp. Độ trễ chính sách kết hợp với những yếu kém của thể chế kinh tế thị trường có thể làm cho những giải pháp tái cơ cấu kinh tế chậm phát huy tác động tích cực hơn so với mong đợi; trong khi đó, một số tác động không thuận có thể phát sinh ngay.
Đối với một số lĩnh vực, tái cơ cấu sẽ đòi hỏi những chi phí nhất định. Tái cơ cấu kinh tế có thể làm quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, vùng thu hẹp lại. Hệ quả là, trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được; nhiều doanh nghiệp yếu kém, sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản; một số lao động tạm thời bị mất việc, giảm việc làm và phải chuyển đổi kỹ năng lao động; một số địa phương có thể phải thay đổi lại định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với những phí tổn không nhỏ.
Vì vậy, cần phải có các giải pháp cần thiết để bù đắp hợp lý lợi ích chính đáng cho các bên có liên quan, nhất là nhóm những người lao động, nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương khác.
Tuy nhiên, đề án cũng có một số thuận lợi như nguồn lực và tiềm năng kinh tế lớn được tích lũy qua thời kỳ đổi mới, sự đồng thuận trong các tầng lớp xã hội, đã có những khởi động và kết quả bước đầu của tái cơ cấu. Lạm phát nhìn chung đã được kiềm chế bước đầu, các chỉ số vĩ mô được cải thiện đáng kể và kinh tế vĩ mô đang có xu hướng dần ổn định.
Sau phần trình bày của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo ý kiến của Ủy ban về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Hôm nay (22/5), Quốc hội sẽ nghe Báo cáo, giải trình về dự thảo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật phòng chống rửa tiền.
Theo Vnmedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh