Xã hội

Bộ trưởng nói thật, tiến sĩ khởi xướng

Tuần cuối của tháng 2 đầy ắp thông tin sôi động của giáo dục, từ vĩ mô như phiên họp của Chính phủ về giáo dục, hay vi mô như chuyện chữ viết của học sinh tiểu học. Tất cả đều đang trong dòng vận động của "đổi mới giáo dục", dù là ý chí của nhà cầm quyền hay sự hối thúc từ cuộc sống.

Lời nói thật của Bộ trưởng Giáo dục

Ngay ngày đầu tuần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Bộ GD-ĐT, hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã có phiên họp bàn về chủ đề nóng sốt của ngành giáo dục là đổi mới.
 
Các thành viên đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào 3 nội dung lớn là dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), dự án thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới GDĐT và đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
 
Chính phủ dự kiến trong tháng 3 sẽ thành lập ủy ban đổi mới giáo dục.
 
Tại đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói: “Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. Do đó, ông “tha thiết đề nghị” Bộ Nội vụ nhanh chóng hoàn thiện đề án về tuyển dụng công chức như một cách để đổi mới giáo dục.
 
Phát biểu này của ông Luận được dư luận tán thưởng và đánh giá là "nói thẳng, nói thật".
 
"Sự chân thành của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là một đóng góp vào tranh luận cho vấn đề "bằng giả" và hệ thống", tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá.
 
Nhà báo Mạnh Quân (báo Sài Gòn Tiếp Thị) nhìn nhận: "Người dân vẫn đang chờ đợi, sẽ có nhiều hơn những lời nói thật, nói thẳng của các bộ trưởng và có nhiều việc làm thiết thực hơn để thay đổi, làm biến chuyển những thực tế không mấy tốt đẹp trong từng ngành".
 
"Chốt" thi tốt nghiệp
 
Cũng trong ngày đầu tuần Thứ Hai, vào 17h, Bộ GD-ĐT thông báo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014: thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn và Toán học; còn lại thì được phép tự chọn 2 môn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ và Sinh học.
 
Một nét mới nữa là việc xét tốt nghiệp sẽ tính cả kết quả học của lớp 12, theo tỷ lệ 50: 50 (50% là điểm thi + 50% là kết quả học).
 
Ngoài ra, Bộ cũng cho biết, lộ trình đổi mới thi cử sẽ điều chỉnh, theo hướng tổng hợp, đưa vào câu hỏi mở để học sinh có thể giải quyết vấn đề. Các câu hỏi sẽ từ đơn giản đến phức tạp, hẹp đến rộng. Đến thời điểm phù hợp từ 4 môn thi sẽ chuyển thành 4 bài thi.
 
Sau khi có chính sách mới, nhiều nhà giáo đã phân tích rằng dường như những đổi mới của Bộ GD-ĐT nhằm tiệm cận hướng bỏ thi thay vì tiến tới một kỳ thi quốc gia mà kết quả đáng tin cậy. PGS Văn Như Cương còn đoán tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ lên tới 99,9%.
 
Hồi đáp về điều này, Bộ GD-ĐT nói "hãy để thực tiễn chứng minh". Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, trong mọi ngành nghề, đặc biệt là giáo dục phải hướng tới tinh thần trách nhiệm, tự trọng và đề cao giám sát của xã hội. "Hiện nay, ta chưa có được thì phải vươn đến nền giáo dục sạch, làm sao giáo dục người học có tính tự giác".
 
Tranh luận về kiến nghị bỏ luyện viết chữ đẹp
 
Sau 10 năm nghiên cứu, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng việc rèn chữ đẹp, tính nhẩm nhanh khiến cô trò ở trường quá vất vả. Bà đề xuất nên bỏ hai nội dung này để thay bằng các phần học bổ ích hơn, bởi hiện nay học sinh Việt Nam đang thiếu trầm trọng kỹ năng sống.
 
TS Hương nói, kiến nghị của mình được lắng nghe một phần đã là tuyệt vời. Bà cũng mong phụ huynh nhìn nhận vấn đề, giãn sự quan tâm vào chuyện luyện chữ đẹp hay tính toán nhanh để dạy cho con những kĩ năng khác quan trọng hơn.
 
Bài thi
 
Đề xuất của TS Hương dấy lên cuộc tranh luận trong cả giáo viên, các nhà quản lý và phụ huynh. Trong phần hồi đáp, lãnh đạo Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) giải thích Bộ không yêu cầu và không khuyến khích nhà trường và các giáo viên đặt nặng việc này. Tuy nhiên, nét chữ có liên quan tới nét người.
 
Cùng quan điểm "nét chữ, nết người", bà Nguyễn Thị Yến, hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở Hà Nội cũng phản bác đề xuất của TS Hương, và cho rằng cô Hương không nắm chắc về chương trình tiểu học.
 
Liên quan tới chuyện học sinh Việt Nam giỏi học, kém thực tiễn, trong tuần này, Bộ GD-ĐT đã công bố một số kết quả khảo sát của các tổ chức quốc tế minh chứng thêm điều này.
 
Theo khảo sát PASEC 10 (cuộc khảo sát được ví như khảo sát PISA đối với học sinh tiểu học) do tổ chức Pháp ngữ thực hiện, thì học sinh tiểu học Việt Nam cũng quá giỏi.
 
Điều này một lần nữa được khẳng định qua kết quả "giải mã" PISA (chương trình khảo sát quốc tế dành cho học sinh dưới 15 tuổi).
 
Theo kết quả này, về môn Toán và Khoa học, học sinh Việt Nam còn xếp hạng cao hơn học sinh các nước Anh, Mỹ.
 
Đáng lưu ý, về thời gian học thêm kết quả khảo sát đưa số liệu học sinh Việt Nam lọt tốp 5, đứng vị trí thứ 5/68. Về tính kiên trì đứng thứ 7/68. Trong khi đó,  sự cởi mở, linh hoạt trong giải quyết vấn đề của học sinh đứng vị trí 67/68.
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, học sinh Việt Nam đã được cả PISA và PASEC đánh giá là có trình độ khá cao nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo