Pháp luật

Bộ trưởng phải dành ít nhất 1 ngày/tháng để trả lời dân

Ngày 25/11, Quốc hội đã thông qua luật Tiếp công dân. Một trong những nội dung quan trọng của sửa đổi luật Tiếp Công dân là nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước.

Theo đó, từ ngày 1/7/2014, Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương phải tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình ít nhất 1 ngày trong một tháng...

Khi tiếp công dân, người đứng đầu phải có ý kiến trả lời về giải quyết vụ việc cho công dân.
 
Ngoài ra, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã ít nhất 1 ngày trong một tuần.
 
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 2 ngày trong một tháng.
 
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tiếp công dân. (Ảnh:TTXVN)
 
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong một tháng.
 
Luật cũng quy định, khi tiếp công dân, người đứng đầu phải có ý kiến trả lời về giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.
 
Địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị phải được bố trí tại vị trí thuận tiện, khang trang, lịch sự, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.
 
Tại địa điểm tiếp công dân, phải niêm yết rõ ràng nội quy tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị, hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật và các thông tin quy định...
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo