Thị trường

Bộ trưởng Tài chính: Doanh nghiệp nên tự cứu mình

Chính phủ vừa ra Nghị quyết 13 về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn về cách thức vận hành và điều phối, cũng như hiệu quả của gói giải pháp này. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời đã giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Đẩy nhanh chi tiêu công để "cứu" doanh nghiệp 

 

- Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó ở cả ba khâu đầu vào, đầu ra và cách tiếp cận vốn. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, gói giải pháp sẽ tiếp sức thế nào cho doanh nghiệp trước những khó khăn này? 

 

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Đối với đầu ra, điều quan trọng là phải tăng tổng cầu, giúp doanh nghiệp bán được hàng, giảm được hàng tồn kho, nhất là với những mặt hàng đang tồn kho cao như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng. Chính vì thế, Chính phủ lần này rất chú trọng đến nhóm giải pháp về chi tiêu công. 

 

Trong quý 2 và quý 3, vốn đầu tư từ ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ sẽ được đẩy nhanh, đúng địa chỉ đối với từng công trình, để tốc độ giải ngân của kỳ này phải tăng vượt trội so với quý 1. Chúng tôi đang chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tháo gỡ mọi khó khăn để giải ngân nhanh nhất, kể cả ứng trước vốn theo quy định để tạo ra nhiều việc làm, tạo ra thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp. 

 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung thêm 2.000 tỷ đầu tư từ vốn vay ưu đãi cho kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng thủy sản để tạo cầu lớn cho nông nghiệp nông thôn. Chính phủ đã cho phép tất cả những khoản chi phí mua sắm còn tồn lại của năm trước được chuyển sang năm 2012 sẽ nhanh chóng được giải ngân trong năm nay. 

 

Về hỗ trợ đầu vào thì đã có các giải pháp về giãn thuế giá trị gia tăng, giãn nợ thuế đối với doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước, giãn tiền sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó, việc đẩy nhanh tốc độ cải cách luật thuế sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào, cũng như tiết kiệm được chi phí tuân thủ về luật quản lý thuế. 

 

Về thanh khoản, chúng tôi tính toán rằng với các giải pháp giãn, giảm, miễn thuế đã tạo ra cho doanh nghiệp khoảng trên 16.000 tỷ đồng vốn lưu động để quay vòng, nhờ đó tăng thanh khoản, tận dụng được nguồn vốn khá lớn mà không phải chịu phí hay lãi suất nào. 

 

Doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi từ gói hỗ trợ 

 

- Thưa ông, nhiều doanh nghiệp cho rằng giải pháp miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là vô nghĩa vì từ lâu họ đã không có thu nhập để được miễn thuế. Bộ trưởng giải đáp gì về ý kiến này hay không ? 

 

Đây là một gói giải pháp rất tổng hợp, về cả tài khóa và tiền tệ, cả đầu vào, đầu ra và thanh khoản. Vì thế, bất cứ một doanh nghiệp nào đang hoạt động cũng đều được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này. 

 

Tôi xin nói thêm rằng, đây là gói hỗ trợ chứ không phải cứu trợ hay kích cầu. Theo chúng tôi nghĩ, điều quan trọng nhất trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay là doanh nghiệp trước hết phải tự tìm cách vượt qua khó khăn, tự cứu bản thân của mình trước. Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ. 

 

Thực tế, công tác quản lý thuế hiện nay cho thấy phần lớn các doanh nghiệp phải giải thể, phá sản trong thời gian vừa qua là những doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động dựa trên vốn ngân hàng, đường lối kinh doanh chưa rõ ràng.

 

Vì thế, đây là một cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp tự cơ cấu lại. Tôi tin là trong điều kiện khó khăn hiện nay, với sự trợ giúp của Chính phủ, doanh nghiệp nào tồn tại, trụ vững được thì sẽ phát triển tốt trong tương lai. 

 

- Làm thế nào doanh nghiệp biết được mình nằm trong diện miễn, giảm, giãn thuế, thưa ông? 

 

Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo các bộ phận liên quan soạn thảo những thông tư hướng dẫn và sẽ ban hành thông tư ngay trong tháng 5 với những tiêu chí, đối tượng rất cụ thể và rõ ràng. Khi ban hành, thông tư sẽ được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử chính phủ cũng như trang web của Bộ Tài chính. 

 

Cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm

 

- Nhiều doanh nghiệp băn khoăn liệu thủ tục để được nhận hỗ trợ có phức tạp không ? Bộ trưởng có thể giải tỏa băn khoăn này hay không ? 

 

Về nguyên lý, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như trị bệnh cứu người, phải nhanh, kịp thời và dễ dàng. Bộ Tài chính đang chỉ đạo các cơ quan, đặc biệt là Tổng cục Thuế. Ngay khi thông tư được ban hành chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ thuế các cấp và tổ chức triển khai khẩn trương. 

 

Tôi xin nhấn mạnh là trong bối cảnh khẩn trương như hiện nay thì tất cả những hành vi thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp, hay hành vi tiêu cực nếu có của cán bộ thuế đều sẽ bị xử lý hết sức nghiêm minh. 

 

- Điểm nổi bật của gói hỗ trợ lần này là sự phối hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Xin bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phối hợp như thế nào để cộng hưởng được sức mạnh của các giải pháp? 

 

Trong thời điểm hiện nay, tôi và nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời điểm hơn lúc nào hết, chính sách tài khóa phải hỗ trợ nhiều hơn cho chính sách tiền tệ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, trả được lãi suất và tiếp cận được vốn mới của ngân hàng. 

 

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với nhau rất tốt trong việc phát hành tín phiếu ngân hàng, trái phiếu chính phủ. Chúng tôi cũng đang phối hợp để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển tích cực và bền vững hơn nữa, nhằm trở thành kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế để chia sẻ bớt gánh nặng huy động vốn của các kênh ngắn hạn. 

 

- Xin cảm ơn bộ trưởng !

 

 



 

Theo VnMedia

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo