Cho rằng bức xúc của người dân cũng là điều mà Bộ Tài chính quan tâm trong quá trình điều hành, song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải cái “khó” mà Bộ này gặp phải trong việc điều hành.
Việc minh bạch giá xăng dầu là câu chuyện được bàn tới nhiều trong suốt thời gian qua khi giá xăng luôn trong tình trạng tăng một cốc, giảm một giọt và người dân luôn phập phồng với giá xăng.
Đã có không ít kiến nghị, chỉ đạo song nhiều ý kiến cho rằng, cái được cho là minh bạch mới chỉ đạt đến mức công khai việc hình thành, sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu của từng doanh nghiệp trong từng quý.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các tập đoàn phải minh bạch về xăng dầu. Theo đó, các yếu tố hình thành giá bán, lợi nhuận... cần đưa lên truyền hình, đưa vào điện thoại di động để ai quan tâm bật máy lên là biết.
Tuy nhiên, trả lời trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ: có cái khó trong điều hành.
Theo đó, thứ nhất là tình hình kinh tế thế giới trong năm 2013 diễn biến phức tạp, tình tình trong nước khó khăn. Trong quá trình điều hành phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu chung trong Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Thứ hai, điều hành giá theo đúng pháp luật về giá. Thứ ba, giá của chúng ta điều hành phải theo định hướng, có sự quản lý của Nhà nước, trong quá trình điều hành, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, nhà nước và người dân.
“Phải công khai minh bạch, càng công khai minh bạch càng tốt, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp. Từng bước xóa bỏ tình trạng bù chéo trong điều hành về giá cả trong nền kinh tế. Cùng với đó là chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo phải được đảm bảo”, ông Dũng nói.
Chính vì cái khó như vậy nên trước mắt có lẽ việc tăng giá liên tục là sự thật mà người dân phải hứng chịu.
Trước đó, khi bị người tiêu dùng chất vấn chuyện lãi ít, lãi nhiều, thiếu minh bạch, lãnh đạo Petrolimex từng hời dỗi tuyên bố sẽ rút vốn, không kinh doanh tiếp.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex từng cho biết, ông cảm thấy quá mệt mỏi với chuyện kinh doanh xăng dầu.
"Thực sự tôi không muốn nói về vấn đề này nữa. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? Doanh nghiệp cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng là như thế. Tôi thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này. Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích", ông Năm nói.
Và sau khi Petrolimex hờn dỗi thì Bộ Công thương lại đề xuất trả biên độ cho phép doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu về 0%-7%.
Còn Bộ Tài chính vẫn hứa, năm 2014, Bộ sẽ tiếp tục công khai minh bạch hơn nữa trong điều hành mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, sẽ công bố công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới từng ngày, từng chủng loại xăng dầu trong bình quân 30 ngày làm căn cứ để điều hành giá xăng dầu trong nước.
Công khai minh bạch trong phương án tính toán giá cơ sở trong đó chi tiết từng yếu tố chi phí cấu thành giá cơ sở như giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã được công khai. Các khoản thuế, phí kinh doanh, lợi nhuận định mức sử dụng quỹ bình ổn giá...
Tuy nhiên, giới chuyên môn thì lo ngại, nếu vẫn giữ nguyên cơ chế cho doanh nghiệp tự định giá thì doanh nghiệp vẫn có những cách lách luật, xé lẻ các đợt tăng giá để được tăng giá có lợi nhất. Do vậy trong các văn bản điều hành nếu để độ mở quá lớn sẽ khiến doanh nghiệp có thể lợi dụng dẫn đến tình trạng khó quản lý là điều dễ gặp.
Xăng dầu thế giới bốc hơi, trong nước rục rịch tăng giá Giao dịch cuối tuần (10/1), giá dầu thô thế giới loại kỳ hạn đã tăng mạnh trở lại nhờ kim ngạch nhập khẩu tại Trung Quốc tăng cao và đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu thô vẫn giảm hơn 1%. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 10/1, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 2 tăng được 1,06 USD, tương ứng với 1,2%, lên 92,72 USD mỗi thùng trên sàn hàng hóa New York. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu thô hợp đồng kỳ hạn loại này vẫn giảm mạnh tới 1,3%. Đây cũng là tuần giảm giá thứ hai liên tiếp của mặt hàng năng lượng dầu thô. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang rục rịch tăng giá. Theo đó, cho rằng giá xăng dầu bán lẻ đang lỗ từ 237 - 1.219 đồng/lít, các doanh nghiệp đầu mối đang gửi yêu cầu tăng giá bán lên Liên Bộ Tài chính - Công Thương. |
Báo Đất việt