Xã hội

Bộ trưởng Thăng "cứu" đường, vẫn cần 7.000 tỷ bảo trì

Xe quá tải là nguyên nhân trực tiếp phá hoại mặt đường, song mặc dù việc kiểm soát tải trọng được thực hiện rốt ráo vẫn cần 7.000 tỷ để sửa đường.

Theo báo cáo của văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, năm nay dự kiến sẽ có hơn 7.000 tỷ đồng để chi cho bảo trì, sửa chữa đường sá. Trong đó, thu từ phương tiện dự kiến là hơn 4.600 tỷ đồng và ngân sách nhà nước cấp bổ sung 2.450 tỷ đồng.

 
Tính đến hết ngày 31/3, phí bảo trì đường bộ thu được qua 110 trạm đăng kiểm trên cả nước đạt 1.088 tỷ đồng (đạt 23,5% so với kế hoạch thu cả năm 2014).
 
Về kế hoạch chi dự kiến gần 5.430 tỷ đồng được chi cho bảo trì các tuyến quốc lộ, và trên 1.606 tỷ đồng được chuyển về cho các địa phương trên cả nước để sửa chữa bảo trì đường địa phương.
 
Thống kê năm 2013 còn cho thấy, quỹ bảo trì đường bộ đã vượt hơn 1.000 tỷ so với kế hoạch ban đầu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Trong khi đó, nhiều tuyến đường trọng điểm, liên tỉnh vừa đi vào hoạt động đã xuống cấp không được sửa chữa như Láng - Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường vành đai 3 hoặc mặt cầu Thăng Long vừa sửa chữa, sau khi đưa vào khai thác đã xuất hiện hiện tượng lún, bị xuống cấp, phá vỡ kết cấu mặt đường…
 
Quốc lộ 91B qua TP Cần Thơ: Mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng
 
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún đường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trong những năm vừa qua, xe vượt tải rất lớn, có xe vượt gấp 2 lần so với tải trọng thiết kế. Đây là nguyên nhân cơ bản trực tiếp nhất dẫn đến phá hoại mặt đường và hiện tượng lún vệt bánh xe.
 
Nguyên nhân thứ 2 được chỉ ra là do chưa sản xuất được nhựa đường, đang phải nhập khẩu 100% từ nhiều nguồn khác nhau nên chưa kiểm soát được việc này một cách toàn diện.
 
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng có văn bản gửi các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở, ngành địa phương thực hiện một số giải pháp cấp bách về kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và đề nghị duy trì trạm kiểm soát trọng tải 24/24h.
 
Đề nghị này của Bộ trưởng Bộ GTVT được đưa ra nhằm tránh tình trạng lơ là, thiếu kiên quyết siết xe quá tải trong chiến dịch đang được triển khai đồng loạt trên toàn quốc từ hôm 1/4.
 
Hiện mới chỉ có 36 tỉnh (đạt 58,14%) sử dụng bộ cân lưu động để kiểm soát tải trọng xe, 27 địa phương còn lại (chiếm tỷ lệ 41,86%) chưa làm xong thủ tục pháp lý nên đã sử dụng bộ cân xách tay do địa phương tự trang bị.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng lo ngại đây chính là kẽ hở để chủ xe, lái xe lợi dụng vi phạm chở quá tải trọng, tiếp tục gây mất an toàn giao thông và phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo