Bộ trưởng Thăng muốn thay nhà thầu TQ: Rất phức tạp?
Chuyên gia giao thông đô thị - TS. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ về việc Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng thầu EPC Trung Quốc chấm dứt hợp đồng toàn bộ nhà thầu phụ phía Trung Quốc và ký với các đơn vị của Việt Nam có đủ năng lực, trách nhiệm và giá thầu hợp lý, sát với thực tế tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
TS. Thủy cho rằng, việc có thay hay không phải phụ thuộc vào hoạt động cụ thể của nhà thầu trên tuyến đường sắt này, xem nhà thầu làm đến đâu, chất lượng thế nào, sai sót đó có phải do năng lực không, mối quan hệ của nước ta với Trung Quốc cũng phải xét đến…
Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Thủy thì nên thay tổng thầu dự án này vì 5 lý do:
Thứ nhất, nhà thầu là nguyên nhân chủ yếu gây ra tổn thất nghiêm trọng nhất do tiến độ dự án quá chậm, mà tiến độ chậm thì nhà thầu phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính. Nếu cứ chậm một năm sẽ làm tổn thất tiền của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vì công trình làm xong sớm sẽ giảm bớt ùn tắc, tai nạn, và tăng hiệu quả cho xã hội, ngược lại nếu làm chậm thì hiệu quả đó không còn nữa.
Lý do thứ 2, công trình này đã đội giá lên tới 60%, từ 500 triệu USD đã tăng lên đến hơn 800 triệu USD, đó là cái "không thể chấp nhận được". Điều đó cho thấy cách làm của họ hết sức tùy tiện.
Thứ 3, chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã xảy ra tới 2 vụ tai nạn giao thông, mà những vụ tai nạn lại xảy ra một cách rất sơ đẳng chứ không phải do bất khả kháng khi để cả một tấm thép và cả một giàn giáo đổ xuống khi có hàng nghìn phương tiên đi lại.
Lý do thứ 4, trong tương lai, phương tiện đi trên cao đòi hỏi phải có độ ổn định và an toàn rất cao so với các phương tiện đi trên mặt đất. Nếu nhà thầu chọn những phương tiện không tốt, rẻ tiền, dù trông hào nhoáng nhưng chất lượng rất kém, nếu con tàu đổ xuống thì lúc đó mức độ thiệt hại biết đâu mà kể?
Nguyên do thứ 5 là hiệu quả không tốt nếu tiếp tục để nhà thầu đó triển khai, chất lượng và hiệu quả sau này sẽ giảm đi, khiến hiệu quả không tương xứng với số tiền bỏ ra.
“Từ 5 nguyên nhân đó cần phải thay thế nhà thầu khác cho tương xứng. Việc thay thế vừa có tác dụng tìm nhà thầu khác có năng lực hơn và cũng là một cảnh báo nghiêm khắc với nhà thầu sau này”.
Tuy nhiên vị chuyên gia giao thông này cũng cảnh báo việc thay nhà thầu Trung Quốc rất phức tạp, vì vốn ODA của dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh là của Trung Quốc. Nhưng vì tai nạn xảy ra quá nhiều nên buộc phải thay.
“Việc này Bộ trưởng Đinh La Thăng phải làm cương quyết chứ không thể nửa vời. Đã thay thì phải thay ngay, làm thủ tục luôn, kể cả có thiệt thòi một chút cũng phải làm. Lúc đó hiệu quả tuyến đường mới được tạo ra” – TS. Thủy nhìn nhận.
Ông cũng nhấn mạnh, khi thay phải chọn nhà thầu khác cho hợp lý. Nhà thầu Việt Nam có thể đủ sức làm nếu biết chọn lọc một nhà thầu tiêu biểu và bổ sung thêm những người giỏi có kinh nghiệm và có tinh thần trách nhiệm. TS. Thủy cũng khuyến cáo các thiết bị, phương tiện phục vụ dự án "không được mua của Trung Quốc" mà phải mua của các nước có kinh nghiệm chiều sâu về phương tiện đi trên cao như Thụy Điển, Thụy Sỹ, Tiệp Khắc, Nga, Nhật Bản, Mỹ…mới đảm đương được.
Liên quan đến việc thi công tuyến đường sắt hiện nay, TS. Thủy cho biết, các nước vẫn làm nhưng người ta phải làm những tuyến đường tránh hiện đại, và có lưới bảo hộ như một thiết bị không thể thiếu để che chắn những vật dụng nếu bị văng ra hoặc rơi xuống. Còn chúng ta có thể vì tiết kiệm chi phí nên đã bỏ qua việc làm này.
“Từ tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã phát lộ ra những yếu kém trong ngành giao thông, đặc biệt trong ngành đường sắt vốn mục ruỗng lâu nay nhưng vẫn được nhà nước nâng đỡ một cách vô lý” – TS. Nguyễn Xuân Thủy cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo