Xã hội

Bộ trưởng Thăng nhiệt tình tiết kiệm, lo lắng kinh tế

Tìm mọi cách co mục tiêu, giảm thiết kế, đi máy bay giá rẻ… là cách mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đang áp dụng trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Giãn mục tiêu vì… thiếu tiền

Mới đây Bộ GTVT đã có tờ trình lên Chính phủ xin điều chỉnh “Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050”.
 
Theo đó, Bộ đã đề nghị giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung cho việc ưu tiên nâng cấp hiện đại hóa tuyến đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp 1.
 
Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao (160 – 200km/h) khổ đôi 1.435mm, giai đoạn này chỉ được coi là “giai đoạn nghiên cứu”. Mười năm tiếp theo (2020 – 2030) là thời kỳ “chuẩn bị những điều kiện cần thiết” để từng bước xây dựng mới đường sắt đôi 1.435mm, tốc độ 160 – 200km/h, chạy chung tàu khách và tàu hàng.
 
Mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt khổ đôi và nghiên cứu nâng cấp tốc độ khai thác lên 350km/h, được tờ trình này đặt mục tiêu hoàn thành vào giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050. Đây cũng là thời điểm để chuyển toàn bộ đường sắt khổ 1.000mm hiện tại sang vận tải hàng hóa là chủ yếu, kết hợp xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt Xuyên Á.
 
Lý giải cho sự “co” lại này, trong tờ trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, chiến lược 1686 được đề ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt cao trong một thời gian dài (tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,5%/năm trong giai đoạn 1991 – 2009) và dự báo tiếp tục cao hơn vào giai đoạn sau đó.
 
“Vì vậy, chiến lược 1686 kỳ vọng đề ra các dự báo và mục tiêu phát triển cao nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sau khi ban hành chiến lược, đất nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ phải dành ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nên chi tiêu công bị hạn chế. Điều đó xuất hiện khó khăn trong triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Thăng lý giải.
 
Với nhiều cách tiết kiệm, Bộ trưởng Đinh La Thăng dường như thấu hiểu cái khó của nguồn vốn hơn ai hết
 
Giảm quy mô thiết kế tiết kiệm 35.000 tỉ đồng
 
Qua việc thanh kiểm tra đường ở Quảng Nam rộng mênh mông mà không có ai đi, Bộ trưởng Thăng đã cho rà soát lại, giảm thiểu quy mô thiết kế, tiết kiệm được 35.000 tỷ đồng.
 
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển Kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Bộ trưởng GTVT  Đinh La Thăng đề nghị phải rà soát thiết kế và quy mô đầu tư, không chỉ dự án trung ương, dự án Bộ quản lý mà cả với các dự án ở địa phương.
 
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hiện nay có nhiều địa phương đầu tư tràn lan, lãng phí. Bộ trưởng dẫn chứng, nhiều đường ven biển rộng thênh thang 6 làn nhưng không có ai đi.
 
“Nhiều địa phương kết hợp làm đường và sân phơi lúa luôn nên đường rộng lắm”, ông Thăng nói.
 
Báo cáo thêm về những bất cập trong sử dụng vốn hiện nay, Bộ trưởng Thăng cho biết: “Hôm trước tôi đi kiểm tra trong Quảng Nam thấy đường rộng mênh mông mà không ai đi. Tôi đã cho rà soát lại. Qua việc rà soát lại dự án để phân kỳ đầu tư, giảm thiểu quy mô thiết kế nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu, đến nay đã giảm được 35.000 tỷ đồng".
 
Tuy nhiên đây không phải là con số tiết kiệm duy nhất. Trước đó, vào cuối tháng 9 tại phiên thảo luận cho ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Luật xây dựng sửa đổi Đề cập đến việc điều chỉnh dự án, Chủ nhiệm UBKT Quốc Hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét: “Anh Thăng rất bản lĩnh”.
 
Lời khen này xuất phát từ việc khi ông Giàu làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT trước đó, Bộ này báo cáo qua điều chỉnh 4 dự án giao thông, Bộ trưởng Thăng đã tiết kiệm được cho NSNN khoảng 15.300 tỷ đồng.
 
Cụ thể 4 công trình được Bộ trưởng Giao thông điều chỉnh là tuyến đường cao tốc Hải Phòng, Quảng Nam – Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cao tốc Long Thành và một cây cầu. Riêng chỉ với việc điều chỉnh từ cây cầu, Bộ giao thông đã tiết kiệm được 60 tỷ đồng.
 
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi nghe con số tiết kiệm được 15.300 tỉ đồng quả là đáng mừng, dù rằng đây mới chỉ là con số trên giấy tính toán chứ chưa nói đến cầm tiền mặt trong tay.
 
Bỏ hạng thương gia, đi máy bay giá rẻ
 
Thay vì đi công tác bằng vé máy bay hạng thương gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng nhiều lần đi bằng máy bay giá rẻ.
 
Ông Thăng cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường từng đi công tác bằng vé máy bay hạng phổ thông của hãng VietJet Air. Và mới đây vị trưởng ngành giao thông lại có chuyến công tác từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng máy bay giá rẻ của hãng hàng không Jetstar Pacific.
 
Trước đó, ngày 22/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng ký văn bản yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ ưu tiên dùng máy bay giá rẻ khi đi công tác, nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm. Mới đây, đại diện Văn phòng Bộ Giao thông cho biết trong quý 4, ước tính cơ quan này tiết kiệm được nửa tỷ đồng nhờ việc chuyển sang sử dụng máy bay giá rẻ.
 
Do đó, Bộ GTVT quyết định mở tài khoản mua vé ở hai hãng Vietjet Air và Jetstar Pacific. Mới đây Bộ đã ký hợp đồng làm khách hàng theo diện công ty, mở tài khoản doanh nghiệp mua vé của hai hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific.
 
Với tài khoản này, các cơ quan trực thuộc Bộ được cấp tên và mật khẩu truy cập vào hệ thống bán vé của hãng, trực tiếp đặt chỗ, xuất vé khi có nhu cầu, thay vì phải lên website của hãng đặt hoặc nhờ đại lý mua hộ.
 
Qua việc mở tài khoản, Bộ Giao thông cũng dễ quản lý hơn việc đi lại bằng máy bay của các cơ quan trực thuộc. Việc đặt vé cũng dễ dàng hơn so với bên ngoài. Tài khoản của Bộ nhận được một số quyền lợi như được miễn phí dịch vụ xuất vé, ưu tiên làm thủ tục trước.
 
Hàng loạt động thái cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ hàng chục công trình, chỉ tập trung đầu tư các công trình cấp bách, thiết yếu cùng với những quyết định táo bạo, quyết đoán và đầy trách nhiệm với “đồng vốn” ngân sách, phải chăng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhìn rõ hơn cái khó chung của nền kinh tế.
 
Trong điều kiện hiện nay, việc thu ngân sách khó khăn, bội chi tăng thì những con số tiết kiệm nghìn tỉ quả là đáng giá.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo