Bộ trưởng Thăng "sờ gáy" tham nhũng ngành GTVT
Bán thầu, đòi hoa hồng
Tại Hội nghị Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng năm 2014 của Bộ GTVT, diễn ra chiều 16/5, tại Hà Nội, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hằng năm ngành giao thông luôn được ngân sách đầu tư nhiều nhất. Việc lớn tới nhỏ luôn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí, tham nhũng rất lớn. Như đường sắt, một công nhân gác chắn cũng có thể tham nhũng. “Tôi từng tận mắt chứng kiến, dù tàu chưa đến nhưng người gác chắn vẫn kéo barie, ô tô muốn đi qua phải đưa tiền”, ông Thăng nói.
Chia sẻ thực tế chống tiêu cực, lãng phí tại đơn vị, ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, việc nhà thầu phụ tham gia dự án là tất yếu, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng.
“Vừa qua chúng tôi đã thấm thía câu chuyện về nhà thầu phụ. Một số dự án phải trả giá đắt do năng lực nhà thầu yếu, ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ công trình”, ông nói. Người đứng đầu VEC dẫn chứng thêm, có biểu hiện nhà thầu phụ dùng áp lực quan hệ để có được gói thầu, nhưng không có năng lực thi công, sau đấy bán thầu…
“Có chuyện chủ đầu tư thích chọn nhà thầu yếu không, hay chuyện anh Thăng (Bộ trưởng Đinh La Thăng - PV), anh Đông (Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông - PV) gửi nhà thầu này, nhà thầu kia, chủ đầu tư nể nên nhận, có không?”, Bộ trưởng Thăng bất ngờ đặt câu hỏi. Đại diện VEC cũng thừa nhận, có không ít dự án như bộ trưởng nói, nhưng việc đưa nhà thầu kém năng lực ra không dễ. Do đó, theo vị giám đốc này, cần rõ ràng, mạch lạc từ đầu, với những quy định về tiêu chí nhà thầu phụ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý, việc giới thiệu nhà thầu, văn bản có chữ ký của người này người kia không có giá trị. “Chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm sau cùng nếu tiến độ chậm, chất lượng kém. Nên phải lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm”, ông Thăng yêu cầu.
“Cục hòa giải chất lượng công trình” (?!)
Tại cuộc họp, khi Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh, đang đọc tham luận gần 5 trang giấy A4 về công tác năm qua, trên ghế chủ trì, ông Thăng bất ngờ ngắt lời, dồn dập hỏi ông Sanh đã phát hiện vụ việc tham nhũng, lãng phí nào chưa, đã xử được ai, chế tài có phạt được không.
Sau chút bối rối, ông Sanh trả lời, cơ chế, chính sách, quy định xử phạt có đủ cả. Cục cũng phát hiện một số sai phạm, như ở dự án Quốc lộ 1A (đoạn Hà Nam – Thanh Hóa) và đã xử lý. “Nhưng báo cáo bộ trưởng, cơ chế của ta là phải “bắn” tập thể”, ông Sanh nói.
Chưa thỏa mãn với trả lời, Bộ trưởng Thăng dẫn chứng: Như việc đề xuất đầu tư xây mới hàng loạt cầu, sau khi Bộ giao Cục Quản lý xây dựng kiểm tra, rà soát có hơn 100 cầu không phải xây mới, chỉ cần gia cố, tiết kiệm ngân sách hơn 800 tỷ đồng. Có ai bị xử lý vì đề xuất xây cầu mới là lãng phí không? “Có nhà thầu gặp tôi tố cáo Ban quản lý dự án đòi ăn chia tỷ lệ phần trăm, tôi đã giao anh, anh đã xử lý chưa?”, ông Thăng tiếp tục hỏi.
“Sau khi bộ trưởng giao, chúng tôi có gặp cả ban quản lý, nhà thầu, tư vấn giám sát để nắm bắt thông tin xử lý. Nhưng họ bảo không có chuyện đó”, Cục trưởng Sanh trả lời. Vừa nghe xong, Bộ trưởng Thăng gay gắt: “Nếu thế xử lý đơn vị tố cáo tội vu khống, tố cáo trực tiếp với bộ trưởng không thể như chuyện đùa được. Không thể hòa hết cả làng được. Hay xin chuyển Cục Quản lý xây dựng thành Cục hòa giải chất lượng công trình”.
Cục trưởng Sanh chốt: “Bộ trưởng nói thế Cục xin tiếp thu, thời gian tới nếu cơ chế, chính sách có gì chưa đầy đủ sẽ xin trình để bổ sung. Nếu đầy đủ sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, nhà thầu vi phạm, đặc biệt là ở các dự án Quốc lộ 1 và 14”.
Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, Bộ GTVT đã giao mỗi Thứ trưởng chịu trách nhiệm về năng lực, phẩm chất của một Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án. Nếu Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án năng lực, phẩm chất kém ngoài bản thân bị chuyển công tác, Thứ trưởng cũng liên đới bị xử lý trách nhiệm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo