Bộ trưởng thuê nhà 2 triệu/tháng: Tiền quét vôi, thuê bảo vệ!
PV:- Luật Nhà ở mới đã dành hẳn một chương về nhà ở công vụ. Vậy thưa ông, những "ai" và "khi nào" sẽ được ở nhà công vụ và cơ chế chính sách cụ thể đối với người thuê nhà công vụ sẽ được thực hiện như thế nào? Làm sao để tránh tình trạng bao cấp trá hình, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Nam: Theo quy định mới, từ thủ tục, đơn từ xét duyệt tới tiêu chuẩn, điều kiện người được xét duyệt ở nhà công vụ đã được quy định chặt chẽ, chi tiết.
Nhóm đối tượng là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được luân chuyển hoặc điều động có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền từ địa phương về trung ương, từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác thì được áp thêm điều kiện mới được ở nhà công vụ.
Theo đó, đối tượng thuộc nhóm này nhưng phải giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên (nếu ở Trung ương) và từ cấp Chủ tịch huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên (nếu ở địa phương) và vẫn phải đáp dứng điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác mới được thuê nhà công vụ.
Kể cả Bộ trưởng, Thứ trưởng nếu có nhà ở Hà Nội rồi thì không được thuê nhà công vụ nữa.
PV:- Theo cách tính mới, mức giá được áp dụng là 14.000 – 18.000 đ/m2/tháng. Như vậy, một người thuê căn hộ 150m2 (tiêu chuẩn với Bộ trưởng) thì cũng tốn 2 triệu đồng/tháng phù hợp so với mức lương 14 triệu đồng của Bộ trưởng. Xin ông nói rõ hơn cơ sở tính toán và cơ cấu chi trong mức giá 2 triệu cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Trần Nam: Thông thường, nếu theo cơ chế thị trường, chủ đầu tư tư nhân cho thuê nhà sẽ phải tính giá trị khấu khao tài sản để trả lãi và các khoản chi phí khác để thu hồi vốn.
Nhưng đây là nhà công vụ, là nhà thuộc sở hữu nhà nước, không phục vụ mục đích kinh doanh. Đó là nơi phục vụ ăn ở đàng hoàng để cán bộ, công chức làm việc và cống hiến. Do đó, trong cơ cấu thu, không thể thu theo giá thị trường, không bao gồm chi phí khấu hao do không phải thu hồi vốn.
Mức giá 2 triệu là mức phí dùng để duy trì, bảo vệ ngôi nhà. Cụ thể như quét vôi, điện, nước bên ngoài, tiền công trả lương nhân viên, bảo vệ, phí chăm sóc cây xanh, phí vệ sinh...
Bộ Xây dựng xây dựng đơn giá dựa trên công thức rất cụ thể.
PV:- Xin ông cho biết, cách tính như vậy đã thể hiện đúng thực chất của giá thuê nhà hiện nay chưa? Ông bình luận sao khi nói giá thuê nhà công vụ 2 triệu là phù hợp với mức lương Bộ trưởng, trong khi lương công nhân 3 triệu/tháng vẫn phải đi thuê nhà 1,5 triệu/10m2/tháng, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Nam: Tôi khẳng định cách tính như vậy là đã thể hiện đúng bản chất của giá thuê nhà hiện nay. Không thể tính giá thuê nhà công vụ như giá thị trường vì nếu như vậy thì cán bộ ra ngoài thuê chứ việc gì phải thuê nhà công vụ.
Đây là chế độ của nhà nước đối với người có công, có cống hiến, đóng góp với đất nước. Lương của Thứ trưởng có 10 triệu/tháng, tính giá thuê nhà công vụ bằng 20% giá trị tiền lương là tương đối rồi. Theo cơ cấu tính giá thu trước đây chỉ có 7%, mức giá đó quá rẻ không đủ để quét vôi ve.
Sự so sánh này mới chỉ nhăm nhe chuyện một ông Bộ trưởng thuê nhà hơn trăm mét vuông với giá vài trăm ngàn đồng một tháng và quy kết đó là phản cảm. Tuy nhiên, không thể đánh đồng người lãnh đạo với công nhân. Một người lãnh đạo ở vị trí khác nhau, học vị khác nhau, cống hiến khác nhau nếu cố tình so sánh như vậy là thể hiện sự thiếu hiểu biết.
Sự phản cảm phải được hiểu như thế này, lương công nhân 10 triệu/tháng bằng lương Thứ trưởng có học hàm, học vị, bao nhiêu người mới lựa chọn được một người, đó mới là phản cảm.
Thực tế hiện nay không phải không có chuyện đó, có nhiều doanh nghiệp đã trả lương công nhân lên tới 10 triệu đồng/ tháng, nhưng bao nhiêu năm nay cơ cấu lương của cán bộ, lãnh đạo không thay đổi nhiều.
Trong bối cảnh chưa có chính sách cái cách tiền lương thì Chính phủ phải có chính sách, chế độ giúp họ có điều kiện làm việc để cống hiến. Đó là lý do vì sao lãnh đạo vào Bệnh viện Việt – Xô khám bệnh còn công nhân vào viện thường. Người có công thì chính sách, chế độ cũng phải khác nhau.
PV:- Chuyên gia nói thẳng, không thể lấy mức lương 14 triệu của Bộ trưởng làm cơ sở để tính giá thuê nhà công vụ. Cách tính đó chưa được tính đúng, tính đủ bởi thu nhập thực tế của của Bộ trưởng thì không thấp hơn 20 triệu/tháng. Tức là giá thuê có gấp 10 lần cũng còn khiêm tốn, ông bình luận thế nào trước nhận định của chuyên gia? Ông có lo ngại, tình trạng bất công, lãng phí sẽ xảy ra?
Ông Nguyễn Trần Nam: Tôi không thể biết được thực thu nhập của họ là bao nhiêu, tôi không quan tâm. Tôi chỉ biết trên bảng lương, cán bộ hiện nay ai cũng kêu không đủ sống. Trong điều kiện như vậy, khi lương không đủ sống mà có kiếm thêm ngoài, theo tôi cũng không ai trách được.
Ai cũng biết, lương Bộ trưởng phải cao hơn trưởng phòng, trưởng phòng phải cao hơn nhân viên. Phòng làm việc của tôi cũng phải to hơn phòng làm việc của anh đó là chế độ rất rõ ràng.
Không thể nói theo kiểu mị dân, tất cả phải bằng nhau. Không thể so sánh lãnh đạo phải thuê nhà như người dân. Chính sách phải tính toán theo sự cống hiến, làm sao có chuyện tôi bằng anh được.
PV: - Đã từng có ý kiến đề xuất nên khoán nhà công vụ để tránh tình trạng người có 2-3 nhà vẫn ở nhà công vụ; cho thuê nhà riêng giá cao hơn 10 lần rồi đưa cả gia đình vào ở nhà công vụ gây bức xúc, bất bình trong dư luận. Bộ có tính tới phương án này không? Vì sao?
Ông Nguyễn Trần Nam: Phương án này không thực tế. Nếu khoán, tất cả những người nằm trong diện được hưởng nhà công vụ sẽ đều có nhà mà vẫn được tiền. Nghĩa là ngân sách còn tốn hơn nhiều. Do đó không thể khoán được.
Giải pháp hiệu quả là phải quản lý chặt chẽ, có quy chế rõ ràng, hết thời hạn phải trả. Người đã có nhà rồi thì không được hưởng nhà công vụ nữa.
PV:- Từ câu chuyện cựu chủ tịch thành phố HN Hoàng Ngọc Nghiên, hay vụ ông Trần Văn Truyền, chuyên gia cho rằng đang ẩn chứa nhiều vấn đề đó là sự mất chuẩn, lệch chuẩn, buông lỏng quản lý của cơ quan, người có trách nhiệm. Đây cũng là một biểu hiện của cơ hội, thực dụng, lợi ích cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Vậy theo ông, phải xử lý những bất cập này thế nào? Trách nhiệm của Bộ ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Nam: Trước đây đúng là chuyện có buông lỏng quản lý thật, nhưng bây giờ sẽ không còn tình trạng này nữa. Hợp đồng thuê nhà công vụ sẽ là hợp đồng dân sự chứ không phải hợp đồng dân phố. Không trả phải có điều khoản cưỡng chế.
Vụ việc vừa rồi chỉ là hiện tượng cá biệt. Ở đây có lỗi của địa phương làm không nghiêm, người thực hiện không tự giác. Trong trường hợp này, Bộ cũng đã vào cuộc thúc giục, yêu cầu xử lý.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng cũng đã được quy định rất rõ, Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm tham mưu ban hành luật, thực hiện là trách nhiệm của các cấp địa phương.
Bộ không quản lý từng nhà công vụ ở thành phố, địa phương. Nếu ở đâu làm không tốt thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc.
PV:- Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo