Xã hội

Bộ trưởng tiếp công dân xuyên trưa

Ngày 22/7, tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương (Hà Nội), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tiếp 6 đoàn và cá nhân có khiếu nại tố cáo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên tiếp nhận đơn thư của bà Nguyễn Thị Bé (Hà Nội). Ảnh: C.K

Buổi tiếp công dân diễn ra cởi mở, minh bạch, thời gian nghỉ trưa chỉ diễn ra đúng 15 phút, đủ để chủ tọa uống chai nước suối và ăn bánh mì.

Không nghỉ trưa 
 
Mở đầu buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, buổi tiếp công dân sẽ diễn ra với tinh thần công khai, rõ ràng với sự giám sát của báo chí. “Cái nào kết luận được sẽ kết luận ngay, cái nào chưa được sẽ giao các cơ quan chức năng để giải quyết tiếp tại những buổi tiếp công dân sau này”, ông Tranh nói.
 
Phương thức làm việc của buổi tiếp công dân được ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương, nêu rõ, công dân sẽ trình bày các nội dung vướng mắc và những vấn đề kiến nghị xử lý. 
 
Đại diện các cơ quan chức năng sẽ giải thích, nếu chưa hài lòng, công dân có thể trình bày tiếp ý kiến của mình. Cuối cùng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) sẽ kết luận về cách thức giải quyết vụ việc.
 
Sáu vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân hầu hết liên quan vấn đề bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) thu hồi đất. Trong đó có những vụ việc kéo dài hơn chục năm, có vụ khiếu kiện đông người dai dẳng. 
 
Có người dân từ An Giang, Đà Nẵng ra Hà Nội quyết bám trụ tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng hàng tháng trời để chờ được giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Mở đầu buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Bé (cụm 11, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) khiếu nại về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB cho gia đình bà là không thỏa đáng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường tỉnh lộ 79, huyện Đan Phượng năm 2001. 
 
Ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết vụ việc của bà Bé đã được Thanh tra Hà Nội kết luận, nhưng bà Bé cho rằng kết luận thanh tra chưa đến nơi đến chốn, nên tiếp tục khiếu nại.
 
Ở tuổi 72, dáng người mảnh khảnh, nhưng giọng bà Bé vẫn vang cả hội trường. Bà tự nhận mình là người ít học, ít chữ nhưng qua nghe báo đài và khiếu nại, tố cáo lâu năm nên thành người thuộc luật, hiểu luật. 
 
Ngay sau khi ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, trả lời về vụ việc, bà Bé lập tức đứng lên đọc vanh vách từng điều trong Luật Đất đai, những quyết định mà bà cho là bất hợp lý của huyện.
 
Câu chuyện khiếu nại của bà Bé là cuộc đối thoại giữa bà với Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, đại diện Thanh tra TP Hà Nội và Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh. Hai bên đều trình bày cả lý và tình của mình. Bà Bé một mực khẳng định “đền bù sai thì chúng tôi khiếu kiện”, đại diện chính quyền khẳng định đã “thực thi đúng luật pháp”.
 
Chuyện khiếu nại của bà Bé cũng là chuyện chung của bà Hoàng Thị Vinh đại diện cho một số hộ kinh doanh tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, của ông Phạm Mạnh Hùng (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội). 
 
Đó cũng là những trăn trở, tâm tư của bà Nguyễn Thị Mai trú tại số 26 ngõ Lương Định Của, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội người dân giáo xứ Cồn Dầu, huyện Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, người dân tại An Giang… Tất cả phản ánh thực trạng 70% khiếu nại tố cáo liên quan đất đai.
 
Có người mang theo cả một vali hồ sơ như hành lí đi máy bay. Có người dân vì khiếu kiện lâu năm đã quá quen mặt, nên vừa gặp Tổng TTCP đã tay bắt mặt mừng dõng dạc “Chào bác Tranh”. Cũng có người gặp đoàn chủ tọa chỉ lập cập trình lên lá đơn rồi nức nở khóc mà không thể trình bày bằng lời…
 
Buổi tiếp công dân đầu tiên theo Luật Tiếp công dân chỉ gián đoạn đúng 15 phút, sau thời gian ăn trưa với bánh mì, bánh dày và nước suối. Đúng 13h, đoàn chủ tọa lại tiếp tục làm việc. 
 
Hai bên cần lắng nghe nhau
 
Có lúc, cuộc đối thoại diễn ra trong không khí căng thẳng. Khi đại diện chính quyền vừa trình bày xong, người dân lập tức đồng loạt đứng dậy phản đối. Như chuyện người dân xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) nêu chuyện xã xây dựng nông thôn mới có tới ba trung tâm thương mại mà nước sạch chưa có, úng lụt kéo dài.
 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói: “Nếu khiếu nại là đúng, chúng ta phải xem lại trách nhiệm của mình. Còn nếu khiếu nại sai, phải có cách giải thích cặn kẽ để dân thông, dân hiểu”. 
 
Ông Nên khẳng định, nhiều vấn đề không khó tới mức không thể giải quyết được. Ví dụ, chuyện ông Phạm Mạnh Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) đơn thuần chỉ là khiếu nại đòi bồi thường hợp lý, nhưng lại chuyển thành vụ việc tố cáo hành vi vi phạm cưỡng chế. Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng, có nhiều vụ việc chính quyền chưa thực hiện đến nơi đến chốn, làm cho người dân bức xúc.
 
Mong mỏi từng ngày được gặp những người có trách nhiệm, bà Nguyễn Thị Mai (ngõ Lương Định Của, Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, người dân luôn tin vào TTCP, nhưng họ cũng lo ngại thực trạng “đánh trống bỏ dùi”.
 
Đại diện người dân xã Ninh Hiệp, cựu chiến binh Vũ Văn Thắng đề nghị Chủ nhiệm VPCP, Tổng TTCP vi hành xã Ninh Hiệp để thấy rõ thực trạng tại địa phương.
 
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên khẳng định, buổi đối thoại là cơ hội để những người có trách nhiệm trực tiếp lắng nghe tiếng nói của người dân, những vụ việc tồn tại, bức xúc lâu dài. Nhưng ngược lại, người dân cũng phải lắng nghe chính quyền. 
 
“Dù vậy, việc để người dân phải vất vả, phải khổ khi triển khai một dự án đó là lỗi của chính quyền, chúng tôi xin nhận trách nhiệm với bà con”, Bộ trưởng Nên nói.
 
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP kiến nghị Thủ tướng giao TTCP thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra lại các dự án trên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp về đất đai của các công dân, đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ cương của pháp luật. Cảm ơn bà con đã khiếu nại có trật tự, tôn trọng pháp luật và kiên trì để chờ được giải quyết vụ việc, Bộ trưởng Nên cho rằng, công tác thanh tra phải trên quan điểm công khai, minh bạch, làm tới đâu rõ tới đó để bà con biết, chia sẻ.
 
Bên cạnh việc chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi của công dân, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cũng yêu cầu bà con tuân thủ pháp luật, cùng hợp tác để tìm ra giải pháp xử lý các vấn đề vướng mắc. Nếu người dân và chính quyền còn khoảng cách sẽ dẫn tới hệ quả người dân còn vất vả, chính quyền cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo