Xã hội

Bộ trưởng Tư pháp: Bắt dân photocopy tại cơ quan là sai

Đang có hiện tượng lạm dụng bản sao chứng thực. Điều này vừa gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nói như vậy trước thực trạng lạm dụng bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính khiến người dân bức xúc.

Hàng năm cả nước có khoảng 100 triệu bản sao có chứng thực được thực hiện gây lãng phí, tốn kém không cần thiết
 
Trên thực tế không ít hồ sơ dù yêu cầu nộp bản sao có công chứng nhưng sau đó cán bộ vẫn yêu cầu người dân xuất trình bản chính. Như vậy xem ra dấu chứng thực dường như không có ý nghĩa nhiều đối với văn bản đó, đặc biệt là trong hồ sơ tuyển sinh, tuyển dụng.
 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng: Theo Nghị định số 79 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, người dân có quyền lựa chọn, hoặc nộp bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính; hoặc nộp bản photocopy xuất trình kèm bản chính để công chứng, để người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản chụp photocopy với bản chính.
 
Ông cũng thừa nhận hiện có tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết, trở thành hiện tượng lạm giấy tờ chứng thực.
 
"Điều này vừa gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội; vừa tạo áp lực quá tải cho UBND cấp xã, Phòng tư pháp cấp huyện, nhất là vào mùa thi cử, tuyển sinh các cấp học", ông Cường nói.
 
Không chỉ thế, còn có tình trạng tại một số UBND cấp xã, khi thực hiện bản sao từ bản chính giấy tờ/văn bản cho dân thì người tiếp nhận hồ sơ không chấp nhận bản photocopy từ bản chính do người dân tự mang đến mà thường yêu cầu phải photocopy tại trụ sở UBND và thu tiền photocopy.
 
Theo ông Cường: "nếu yêu cầu người dân không chấp nhận bản photocopy do người dân mang đến, yêu cầu photocopy tại cơ quan mình là sai so với quy định".
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng: “hiện nay tất cả các phòng tư pháp cấp huyện, đa phần các xã đều có máy photocopy, nên nếu người dân cần chứng thực bản sao, thì nên mang bản chính đến nơi công chứng và yêu cầu bộ phận tư pháp photocopy, sau đó chứng thực cho mình. Vừa thuận tiện cho người dân, vừa đảm bảo an toàn cho công tác chứng thực”.
 
Bộ trường Bộ Tư pháp cũng cho biết, ngày 20/6/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17 về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ thị đã giao cho Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và đều phải hoàn thành trước ngày 31/3/2015.
 
Thống kê cho thấy, hàng năm cả nước có khoảng 100 triệu bản sao có chứng thực được thực hiện.
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo